Tình hình dịch bệnh ở châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Reuters/Thanh Niên
Ở châu Âu, bức tranh đại dịch đang không ngừng “ảm đạm” khi các nước báo cáo tỷ lệ lây nhiễm tăng cao kỷ lục, dẫn đầu là Pháp với số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày, cụ thể là riêng ngày 25/10 vừa qua đã leo lên đến hơn 50.000 trường hợp. Với tình hình này, thậm chí Pháp có thể chứng kiến đến 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Cùng lúc ở Nga, số ca nhiễm mới ghi nhận đầu tuần này (ngày 26/10) là 17.347 trường hợp, khi điện Kremlin cảnh báo đại dịch đang lây lan với các ổ nhiễm lớn bên ngoài Moscow. Chính phủ Bỉ cũng cho biết công suất hoạt động của đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) sẽ chạm mốc tối đa trong vòng 15 ngày, nhất là khi số ca dương tính với COVID-19 ở nước này hiện đã là hơn 330.000 trường hợp…
Châu Âu chiếm 46% số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và gần 1/3 số ca tử vong, tức hơn 250.000 người tử vong do đại dịch. Các chính phủ đã và đang cố gắng tránh lệnh phong tỏa, tức tránh khả năng đóng cửa nền kinh tế. Song số trường hợp nhiễm bệnh tăng nhanh đã buộc nhiều nơi ở châu Âu phải thắt chặt hạn chế.
Chuyên gia hàng đầu của WHO Mike Ryan cho hay: “Nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với việc phải phong tỏa đất nước trong những tuần tới. Tôi chắc chắn rằng đó không phải là tình huống mà bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu hoặc trên thế giới muốn phải đối mặt”.
Trong một ý kiến khác có liên quan, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove nhận định: “Chúng tôi vẫn hi vọng rằng các quốc gia sẽ không phải rơi vào cái bẫy gọi là phong tỏa đất nước”.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, trong đợt dịch đầu tiên, Italy và Tây Ban Nha đã “có những hành động nghiêm túc để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm. Sự kết hợp này là điều rất quan trọng”. Do đó, chính phủ và nhân dân các nước trong khu vực cần phải chia sẻ và phải làm mọi thứ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ CNA, Euro News & Worldmeters)