|
Cuộc gặp bất ngờ của Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama về vấn đề IS. Ảnh: AP
|
Quốc tế quyết tâm tận diệt IS
Trong một động thái mới nhất, ngày 19/11, tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp chính thức rời cảng để tham gia chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Phát biểu trong một phiên họp khẩn của Quốc hội Pháp, Tổng thống Francois Hollande nhấn mạnh: “IS là kẻ thù chính của chúng ta ở Syria vào thời điểm hiện nay. Tôi không nhắc đến việc ngăn chặn, mà là tiêu diệt hoàn toàn IS”. Theo ông Hollande, việc điều động tàu sân bay hạt nhân lớn nhất Tây Âu sang Syria “sẽ tăng gấp 3 lần khả năng quân sự của Pháp” trong chiến dịch chống IS.
Trước đó nhật báo The Hill của Mỹ ngày 16/11 đưa tin, Lầu Năm Góc tuyên bố tàu sân bay USS Harry S. Truman của Hải quân Mỹ đã sang Trung Đông để hỗ trợ chiến dịch chống khủng bố ở khu vực này, đồng thời sẽ phối hợp với tàu Charles de Gaulle của Pháp trong cuộc chiến nói trên.
Ngày 18/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, Washington và Paris sẽ tiến hành những cuộc tấn công quân sự mạnh mẽ hơn nhắm mục tiêu vào IS ở Syria, đồng thời tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin tình báo của hai nước trong những tuần tới. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Obama cũng cam kết sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để tiêu diệt IS, trong bối cảnh tổ chức cực đoan này vừa công bố đoạn video đe dọa tấn công Mỹ để biến nước này thành “một Paris thứ hai”.
Trong một động thái liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tăng cường chiến dịch không kích ở Syria sau khi các nhà chức trách nước này chính thức xác nhận chiếc máy bay dân dụng A321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia phát nổ trên bầu trời bán đảo Sinai (Ai Cập) hôm 31/10 là do một quả bom tự chế.
Trong cuộc họp khẩn đêm 17/11, ông Putin khẳng định: “Chiến dịch tấn công trên không của Nga ở Syria không những sẽ tiếp diễn mà còn được tăng cường, để cho hung thủ thấy việc bị trả thù là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta sẽ truy bắt bọn chúng và chỉ đích danh tất cả bọn chúng bằng mọi giá, không gì ngăn cản được điều đó. Chúng ta sẽ tìm ra chúng ở bất kỳ ngõ ngách nào trên thế giới này và sẽ trao cho chúng những hình phạt thích đáng”.
Theo nguồn tin từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Hollande nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quân sự và tình báo, đồng thời phối hợp hành động quân sự trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria. Tiếp đó, Tổng thống Putin đã lập tức ra lệnh cho tàu tuần dương Moskva có trang bị tên lửa khẩn trương hợp tác với Quân đội Pháp trong các chiến dịch tại Syria.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí ủng hộ đề nghị của Pháp về việc hỗ trợ nước này trong các chiến dịch quân sự. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết, Paris đã đề nghị liên minh EU viện trợ và hỗ trợ theo điều khoản 42-7, trong đó các thành viên EU sẽ thể hiện tình đoàn kết trong trường hợp một quốc gia thuộc liên minh bị tấn công. Được biết, điều khoản này chưa từng được áp dụng trước đó.
Một số động thái đáng chú ý khác, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lên tiếng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ với EU nhằm ngăn ngừa việc tái diễn các vụ tấn công như thảm họa xảy ra ở Paris vừa qua. Còn Thủ tướng Anh David Cameron cho hay, ông sẽ hối thúc Quốc hội thông qua kế hoạch mở rộng chiến dịch không kích của Anh nhằm vào các mục tiêu IS tại Iraq sang Syria. Ông Cameron nói rằng: “Chúng ta cần triển khai chiến dịch chống IS tại Syria, bởi chúng ta có lí do để làm vậy. Viễn cảnh mà tất cả chúng ta đều mong muốn là một khu vực Trung Đông hòa bình và ổn định”.
Châu Âu cần thay đổi chính sách nhập cư?
“Nga, Pháp và Mỹ đang có chung một ưu tiên hàng đầu, đó là tiêu diệt IS. Điều này rõ ràng là một sự chuyển đổi lớn”, tạp chí Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích Vali Nasr, đồng thời là cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
|
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Mỗi ngày có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người từ Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu để tìm kiếm cuộc sống mới, trốn khỏi cảnh đói nghèo và xung đột ở quê nhà. Trước áp lực của dư luận quốc tế nhằm chia sẻ gánh nặng nhập cư, các nước châu Âu cũng như Mỹ đã và đang tiếp nhận số lượng không nhỏ người di cư từ những khu vực nói trên.
Tuy nhiên, ngoài những sức ép về mặt kinh tế, xã hội như vấn đề việc làm, y tế, giáo dục, giao thông, giờ đây châu Âu đang đứng trước một câu hỏi lớn liên quan đến việc thay đổi chính sách nhập cư, sau vụ khủng bố tại Paris ngày 13/11. Theo các chuyên gia, rất có thể các nước này sẽ phải điều chỉnh chính sách của mình nhằm ứng phó với làn sóng nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi trước nỗi lo mới – khủng bố trà trộn vào người di cư để vào châu Âu và thực hiện âm mưu tấn công của mình.