|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Bảo tàng Anh. Ảnh: TTXVN |
Mối quan hệ ngày càng gần gũi
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết trước khi các sự kiện chính của lễ đăng quang bắt đầu, sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho tất cả các vị khách quý quốc tế của Hoàng gia Anh. Đây sẽ là dịp để Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp lãnh đạo Anh và những nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia khác. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng phu nhân và 80 thành viên Chính phủ, Quốc hội Anh sẽ tham dự sự kiện.
Chủ tịch Mạng lưới hữu nghị Anh - Việt Nam (VUKN) Mark Kent nhận định với TTXVN rằng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Anh dự lễ đăng quang là minh chứng mới cho mối quan hệ hữu nghị ngày càng gần gũi giữa hai nước. Ông Kent, người từng là đại sứ Anh tại Việt Nam từ năm 2007 đến 2010, nhận định quan hệ song phương đang ở thời điểm hết sức thuận lợi và có nhiều tiềm năng để phát triển thành một mối quan hệ hợp tác hiện đại, cùng hướng tới tương lai.
Anh là một trong những quốc gia Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau Hiệp định Paris. Trải qua 50 năm, quan hệ đó ngày càng toàn diện và tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó phải kể đến vai trò của Vua Charles III, người có thiện cảm với Việt Nam. Trên cương vị thái tử Anh trước đây, ông từng đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013.
Khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 (tháng 11-2021), ông Charles, khi đó là thái tử, cam kết tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt Nam - Anh, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế xanh.
Đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp trực tiếp trên cương vị mới. Nhà vua Anh trước đó đã gửi điện mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi ông được bầu làm người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Lễ đăng quang theo phong cách hiện đại
Theo Hãng tin Reuters, lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ được tổ chức phù hợp với bối cảnh hiện đại. Phần lễ sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 10h20 sáng 6-5 (giờ Anh, tức 16h20 cùng ngày theo giờ Việt Nam) với lễ diễu hành của nhà vua từ Điện Buckingham đến Tu viện Westminter. Khoảng 2.300 người, từ các nhà lãnh đạo nước ngoài và hoàng gia đến các quan chức và đại diện các hội đoàn, sẽ ở bên trong tu viện.
Giáo sĩ cấp cao nhất trong Giáo hội Anh, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby, chủ trì lễ trao vương miện và xức dầu thánh cho tân vương trong nghi lễ kéo dài khoảng một tiếng. Ngoại trừ nghi lễ xức dầu, phần lớn buổi lễ sẽ được phát trực tiếp để tất cả những ai quan tâm đều có thể xem.
Tổng giám mục Canterbury sẽ thực hiện lời thề đăng quang - một nghĩa vụ pháp lý của bất kỳ quân vương Anh nào. Ông sẽ đưa ra các câu hỏi, Vua Charles III sẽ trả lời trong khi đặt tay lên cuốn kinh thánh. Nghi lễ sẽ kết thúc bằng câu nói của nhà vua: "Những điều tôi đã hứa trước đó ở đây, tôi sẽ thực hiện và tuân giữ. Vì vậy, xin Chúa giúp tôi". Hoàng hậu Camilla sẽ được trao vương miện trong một buổi lễ tương tự nhưng đơn giản hơn.
Nhà vua và hoàng hậu sẽ trở lại Điện Buckingham trên chiếc xe Gold State Coach, đánh dấu sự bắt đầu của phần hội trong ngày đăng quang. Các thành viên khác của gia đình hoàng gia cùng khoảng 7.000 binh sĩ Anh và Khối thịnh vượng chung sẽ tham gia lễ rước nhà vua và hoàng hậu về Điện Buckingham. Vị tân vương và hoàng hậu sẽ xuất hiện trên ban công cung điện vào khoảng 14h15 để chào đón đám đông và xem màn trình diễn của lực lượng không quân.