Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone. (Nguồn: ozy.com)
Đây là lần sửa đổi Hiến pháp thứ hai của Lào kể từ khi đạo luật này được ban hành vào năm 1991.
So với Hiến pháp sửa đổi năm 2003, Hiến pháp năm 2015 của Lào có nhiều sửa đổi nhằm phù hợp tình hình thực tế.
Hiến pháp năm 2015 của Lào gồm 14 chương, 119 điều, tăng 3 chương và 21 điều so với Hiến pháp sửa đổi năm 2003, theo đó các chương tăng gồm chương về Hội đồng Nhân dân địa phương, chương về Tổ chức Thanh tra Chính phủ và chương về Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
Đạo luật gốc năm 2015 của Lào quy định Lào là một quốc gia dân chủ, với tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, do dân và vì lợi ích của người dân.
Hiến pháp nêu rõ, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đồng thời cũng quy định rõ hơn về vai trò của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, theo đó Chủ tịch nước không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ.
Theo Hiến pháp mới, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ được thành lập để xem xét và thông qua các vấn đề lớn tại địa phương, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quyền lực tại địa phương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng sẽ thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách của địa phương cũng như việc bổ nhiệm và cách chức các tỉnh trưởng dựa trên đề xuất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Theo thông báo của Quốc hội Lào, việc sửa đổi Hiến pháp của Lào lần này là đề phù hợp với các chính sách đổi mới của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, đồng thời phản ánh nguyện vọng muốn phát triển đất nước của người dân các dân tộc Lào và đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020.
Theo Vietnam+