Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đang nỗ lực để cứu vãn tiến trình hòa bình với lực lượng FARC trước nguy cơ đổ vỡ - Ảnh: Presstv
Từ cuối năm 2012, chính phủ Colombia đã đến Cuba để chủ trì các cuộc đàm phán với lực lượng FARC nhằm kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 50 năm. Hầu hết các thỏa thuận đã đạt được, nhưng hiện nay tiến trình cho thấy sự căng thẳng chưa từng có.
"Tiến trình hòa bình đang ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ khi chúng tôi bắt đầu đàm phán”, ông Humberto De la Calle trả lời phỏng vấn của báo giới địa phương.
Trong những tuần gần đây, FARC dấy lên một làn sóng đánh bom vào những đường ống dẫn dầu gần các con sông làm dầu lan xa đến bờ biển Thái Bình Dương, gây ra một thảm họa môi trường dự kiến phải mất ít nhất 2 thập kỷ để xử lý.
Những lạc quan trong các cuộc đàm phán hòa bình cũng tan vỡ sau khi FARC phục kích và thảm sát 11 binh sĩ ở phía tây nam vào tháng 4 vừa qua.
Những vụ việc này khiến chính phủ Colombia tiếp tục không kích vào các căn cứ của FARC, lần lượt thúc đẩy nhóm phiến quân từ bỏ lệnh ngừng bắn đơn phương.
Ông Calle cho biết, chính phủ đã chuẩn bị để xem xét một lệnh ngừng bắn song phương trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết, nếu FARC chấp nhận trách nhiệm pháp lý đối với bạo lực đã gây ra.
Tiến trình hòa bình càng khó khăn hơn khi chính người dân Colombia đang hoài nghi về các thỏa thuận giữa 2 bên. "Sự thật khắc nghiệt là người Colombia không tin vào tiến trình hòa bình và niềm tin của họ đã phai mờ theo các cuộc đàm phán kéo dài", ông Calle nhận định.
Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & MSN)