Người dân xếp hàng chờ lấy nước sạch sinh hoạt tại thành phố Chennai, Ấn Độ. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), vì các con đường lây truyền chính là giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, Ủy ban về Nước của Liên Hiệp Quốc (UN Water) cho biết, khoảng 3 tỷ người không được tiếp cận với nước máy và xà phòng tại nhà, và 4 tỷ người đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Chủ tịch UN Water, ông Gilbert F Houngbo nhận định: “Đó là một tình huống nghiêm trọng đối với những người sống mà không được tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh được quản lý an toàn. Tình trạng thiếu đầu tư thường xuyên đã khiến hàng tỷ người dễ bị tổn thương và chúng ta đang chứng kiến hậu quả”.
Các khoản đầu tư vào nước sạch và vệ sinh bị trì hoãn trong nhiều năm hiện đang khiến mọi người phải đối mặt với rủi ro khi virus lây lan qua các quốc gia phát triển và đang phát triển, tạo ra một chu kỳ lây nhiễm và tái lây nhiễm.
Theo Liên Hiệp quốc (LHQ), thế giới cần chi 6,7 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng nước đến năm 2030, không chỉ dành cho các nhu cầu vệ sinh cấp bách mà còn để giải quyết những vấn đề lâu dài hơn từ đại dịch, như cung cấp hệ thống tưới tiêu tốt hơn để vượt qua một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng, ông Gilbert F Houngbo nói thêm.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã vào cuộc để cung cấp các giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất. Tập đoàn Lixil Group, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị nhà ở của Nhật Bản, nơi sở hữu các thương hiệu như American Standard và Grohe, đã làm việc với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và các đối tác khác để tạo ra một thiết bị rửa tay độc lập, chỉ cần một lượng nhỏ nước trong một chiếc chai.
Với 1 triệu USD, tập đoàn này sẽ sản xuất 500.000 chiếc ở Ấn Độ để quyên tặng phục vụ 2,5 triệu người, trước khi bắt đầu tung sản phẩm này ra bán lẻ.
Đây là một phản ứng nhanh chóng, ngắn hạn nhằm hỗ trợ chống lại đại dịch COVID-19, nhưng cần có những đầu tư bền vững hơn, chẳng hạn như lắp đặt nước máy cho nhiều gia đình hơn, bà Clarissa Brocklehurst, giảng viên tại Học viện Nước tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ, nguyên Trưởng bộ phận giám sát các chương trình về nước sạch và vệ sinh của UNICEF cho hay.
Bất bình đẳng về nước
Việc không được tiếp cận với nguồn nước và vệ sinh cơ bản là một ví dụ nữa về những tác động nguy hiểm của sự bất bình đẳng mà đại dịch COVID-19 chỉ ra.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), những tác động của việc quản lý nước yếu kém được cảm nhận một cách không cân xứng bởi những người nghèo, những người có nhiều khả năng dựa vào nông nghiệp sử dụng nước mưa để làm thực phẩm và chịu nhiều rủi ro nhất do nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh không đầy đủ.
Những người kém may mắn ở các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương vì họ thường sống ở những khu vực đông dân cư, nơi sự giãn cách xã hội trở nên khó khăn, đặc biệt nếu họ phải dùng chung một nguồn nước.
Bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho rằng, sự lây truyền ở khu vực châu Mỹ khó khăn hơn để kiểm soát ở các khu vực đô thị nghèo, nơi có khả năng tiếp cận hạn chế với các dịch vụ nước, vệ sinh và y tế công cộng. Trong khi đó, Chủ tịch UN Water lưu ý, có tới 5,7 tỷ người có thể sống ở những khu vực khan hiếm nước trong ít nhất một tháng mỗi năm vào năm 2050, tạo ra sự cạnh tranh chưa từng có về nước.
Theo một ước tính, mỗi độ C của tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ khiến khoảng 7% dân số thế giới đối mặt với một mức suy giảm nguồn nước tái tạo ít nhất là 20%. Hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, so với mức 2 độ C, có thể làm giảm đến 50% căng thẳng nguồn nước do khí hậu gây ra.
Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg)