Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu triển khai thẻ xanh kỹ thuật số Covid-19 vào tháng 4 để chứng nhận chủ thẻ đã được tiêm phòng, mới xét nghiệm âm tính hoặc khỏi bệnh - một giải pháp nhằm tái mở cửa kinh tế dần dần sau nhiều tháng phong tỏa. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ở Bắc Âu ban bố lệnh phong tỏa vào ngày 11-3-2020.
Hiện tại, nhờ tỉ lệ dân số được tiêm phòng đầy đủ vượt mốc 73%, Đan Mạch tiếp tục trở thành quốc gia tiên phong trong việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Với những động thái trên, "xứ sở Lego" có thể trở thành hình mẫu để thế giới noi theo nhằm quay về cuộc sống trước đại dịch, kể cả khi chính phủ nước này không tuyên bố chiến thắng Covid-19 mà chỉ là tìm ra giải pháp sống chung với đại dịch.
Binh sĩ diễu hành qua TP Aalborg - Đan Mạch trong ngày lễ Quốc kỳ hôm 5-9 Ảnh: REUTERS
Theo báo The Telegraph (Anh), nỗ lực đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường đã được chính phủ Đan Mạch lên kế hoạch trong nhiều tháng. Họ lập luận rằng với việc khoảng 95% dân số dễ tổn thương, cư dân viện dưỡng lão và những người trên 60 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ, quốc gia của họ có thể "chịu đựng tỉ lệ lây nhiễm cao hơn".
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tháng rồi khẳng định vắc-xin là "siêu vũ khí" chống lại Covid-19 và họ có kỳ vọng rõ ràng về việc tránh được những đợt phong tỏa quy mô lớn trong tương lai.
Kể từ ngày 10-9, thẻ xanh kỹ thuật số Covid-19 không còn cần thiết để vào hộp đêm cũng như những sự kiện lớn khác. Trẻ em ở trường học và nhà trẻ sẽ không còn bị đưa về nhà khi bạn học hoặc giáo viên nhiễm Covid-19.
Những quyết định này được triển khai ngay cả khi số ca nhiễm trung bình hằng tuần đang tăng gấp 5 lần so với hồi cuối tháng 6. Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm gia tăng, số người thiệt mạng trung bình vì Covid-19 tại Đan Mạch hiện chỉ ở mức hơn 10 người/tuần - giảm mạnh so với hơn 200 ca/tuần trong giai đoạn tồi tệ nhất vào tháng 1.
Dù vậy, chính phủ Đan Mạch không hề tự mãn. Bộ trưởng Y tế Heunicke đang cảnh báo nguy cơ Covid-19 trở thành "đại dịch của những người chưa tiêm chủng". Ở nhóm công dân Đan Mạch trong độ tuổi 15-18, tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ chỉ mới chạm mốc 43,5%. Chuyên gia Viggo Andreasen của Trung tâm PandemiX thuộc Trường ĐH Roskilde (Đan Mạch) ước tính khoảng 50% dân số chưa được tiêm phòng sẽ đạt được khả năng miễn dịch thông qua lây nhiễm.
Trong khi đó, tại Anh - quốc gia triển khai chiến lược chống Covid-19 rất khác biệt so với Đan Mạch, tình hình dịch bệnh vẫn vô cùng căng thẳng dù tỉ lệ dân số tiêm phòng đầy đủ chạm mốc 65%. Bộ Y tế Anh ngày 7-9 thông báo thêm 209 ca tử vong sau 24 giờ, mức tăng cao nhất kể từ ngày 9-3. Số ca nhiễm mới là 37.489 ca, giảm so với 41.192 ca được công bố 1 ngày trước đó.
Những con số này khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Trường học mở cửa trở lại với quy định xét nghiệm 2 lần/tuần cùng vô số điểm rửa tay sát khuẩn. Các cuộc tranh luận liên quan đến đối tượng tiêm phòng tiếp theo diễn ra ngày một gay gắt: nên tiêm liều bổ trợ cho nhóm dân số già hay tiêm ngừa cho nhóm trong độ tuổi 12-15?
Nói như vậy không có nghĩa là toàn bộ công dân Đan Mạch hài lòng với chiến lược chống Covid-19 của chính phủ nước này. Theo chuyên gia Andreasen, hướng tiếp cận của Đan Mạch đang khiến những người trưởng thành, chưa tiêm chủng gặp rủi ro nghiêm trọng.
Vị này nhấn mạnh quyết định để virus lây lan thoải mái trong trường học có thể mang đến những mối hiểm nguy khó lường và đây là lý do cần tiếp tục cách ly, xét nghiệm những học sinh tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.
|