Người dân mua gạo tại một cửa hàng ở La Habana, Cuba. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 18/2, Chính phủ Cuba đã công bố một chương trình quốc gia về an ninh lương thực, bao gồm tăng sản lượng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu.
Theo Tân Hoa xã, Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba Idael Perez cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các bước hướng tới phát triển ngành nông nghiệp trong bối cảnh Mỹ siết chặt các lệnh phong tỏa Cuba, đại dịch COVID-19 và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu."
Ông nhấn mạnh các biện pháp này là những đóng góp chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia. Chương trình dự kiến sẽ được trình bày lên quốc hội xem xét phê chuẩn vào cuối năm nay.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy quốc đảo với hơn 11,2 triệu dân này hiện đang nhập khẩu tới hơn 60% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ trong nước.
Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực của tổ chức này đạt trung bình 135,7 điểm trong tháng 1/2022, cao hơn 1,1% so với tháng 12/2021 do những hạn chế từ phía nguồn cung.
Ông Boubaker Ben-Belhassen, Giám đốc Bộ phận Thương mại và thị trường của FAO, cho biết năng lực xuất khẩu giảm do những hạn chế khác nhau từ phía nguồn cung, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động và thời tiết không thuận lợi.
Chỉ số giá lương thực của FAO - thước đo cho giá lương thực thế giới - chuyên theo dõi những thay đổi hằng tháng về giá cả quốc tế của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được giao dịch hằng ngày./.
Theo Vietnam+