Ngày 3/11 (giờ địa phương), cử tri Mỹ chính thức đi bỏ phiếu bầu Tổng thống cho 4 năm tiếp theo, lựa chọn giữa 2 ứng viên là đương kim Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo đó, thế giới cần một Tổng thống Mỹ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, bởi 2 lý do chính. Đầu tiên, nhiều quốc gia lấy tín hiệu từ chính sách của Mỹ, nhất là về các vấn đề như khủng hoảng khí hậu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt bỏ các quy định và chính sách môi trường trong nước, được thiết kế để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Trên phạm vị quốc tế, ông đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu mang tính bước ngoặt. Trong khi đó, tại cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ lần 2 diễn ra ngày 22/10 (giờ địa phương), cựu Phó Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ nhận định: “Sự nóng lên toàn cầu là một mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức để đối phó với nó”.
Đã quá muộn để ngăn chặn mọi tác động của biến đổi khí hậu. Chúng đang xảy ra. Cháy rừng đã thiêu rụi các ngôi nhà trên khắp khu vực phía Tây Mỹ trong năm nay, những trận lũ lụt chưa từng có làm ngập các khu vực rộng lớn ở châu Á, và thập kỷ qua với những đợt nắng nóng nghiêm trọng và hạn hán là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận. Các tảng băng trên hành tinh cũng đang bị mất đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Jonathan Pershing, Giám đốc Chương trình Môi trường tại Quỹ William and Flora Hewlett Foundation cho rằng, dưới thời một Tổng thống Mỹ thúc đẩy các chính sách về khí hậu, thế giới có thể hướng tới “những thiệt hại rất nhỏ, tăng dần” chứ không phải là những thiệt hại thảm họa.
Tác động toàn cầu
Trong những năm gần đây, giới trẻ ngày càng lên tiếng về cuộc khủng hoảng khí hậu, yêu cầu vấn đề này cần được nằm trong chương trình nghị sự quốc tế.
Vào tháng 5 năm nay, siêu bão Amphan đã đổ bộ Bangladesh và tàn phá toàn bộ khu vực ven biển phía Tây Nam, ảnh hưởng đến 10 triệu người và gây thiệt hại ước tính khoảng 13 tỷ USD. Lũ lụt trong những năm gần đây đã làm ngập 1/3 diện tích Bangladesh, trong khi quốc gia láng giềng Ấn Độ cũng hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề.
Ông Sohanur Rahman, thành viên sáng lập Tổ chức YouthNet for Climate Justice nhận định: “Mỹ cần sử dụng sự ảnh hưởng và sự giàu có của mình để hỗ trợ Bangladesh và khu vực phía Nam địa cầu khác thông qua chuyển giao công nghệ, trợ cấp năng lượng tái tạo và tài chính cho giảm nhẹ khí hậu”.
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động trẻ ở châu Phi cũng nói rằng, chính sách trong nước của Mỹ về biến đổi khí hậu có tác động sâu sắc đến họ, bởi vì lục địa châu Phi và khu vực phía Nam địa cầu đang phải đối mặt với một số tác động khí hậu tồi tệ nhất. Hạn hán bất thường kéo theo lượng mưa cực lớn đã làm giảm đáng kể năng suất cây trồng theo mùa ở vùng Sừng châu Phi trong năm 2019. Các kiểu thời tiết và khí hậu bất thường này cũng góp phần vào hiện tượng châu chấu sa mạc xâm nhập tồi tệ nhất trong 25 năm, đe dọa hơn nữa nguồn cung cây trồng trong khu vực.
Trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cuộc khủng hoảng khí hậu cũng ảnh hưởng đến người dân, hệ sinh thái và sinh kế. Nước dâng do bão ở Philippines ngày càng khó dự đoán và dữ dội hơn, nước sông Mekong ở Đông Nam Á đang ở mức thấp nhất trong 100 năm, và mực nước biển dâng cao đe dọa các siêu đô thị, chẳng hạn như Dhaka, Thượng Hải và Jakarta, hay toàn bộ quần đảo Thái Bình Dương.
Thế giới cần Mỹ hành động khí hậu
Một báo cáo mang tính bước ngoặt năm 2018 từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc cho biết, thế giới chỉ còn đến năm 2030 để giảm lượng khí thải đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tránh các tác động khí hậu thảm họa nhất.
Ông Chuck Baclagon, nhà vận động tài chính của Nhóm Môi trường 350 Asia nhấn mạnh, sự đoàn kết toàn cầu là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Với chưa đầy một thập kỷ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, sự tham gia của Mỹ vào hành động khí hậu là cực kỳ cần thiết.
Bà Lois Young, Đại sứ của Belize tại LHQ cho biết, thế giới sẽ không thành công trong việc giảm lượng khí thải cần thiết, hoặc thích ứng với những tác động của khí hậu nếu không có Mỹ, bởi Mỹ có khoa học, công nghệ và tài chính để tiến lên phía trước và ảnh hưởng của quốc gia này là rất quan trọng.
LÊ THẢO (Lược dịch từ CNN)