Người dân Hi Lạp ở thủ đô Athens lấy số thứ tự từ một quản lý chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để chờ nhận tiền lương hưu hôm 13/7 - Ảnh: Reuters
AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk: “Hội nghị cấp cao châu Âu đã nhất trí đi đến thỏa thuận. Tất cả đều sẵn sàng cho một chương trình giải cứu Hi Lạp với những biện pháp cải tổ và hỗ trợ tài chính nghiêm chỉnh”.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde phát biểu: “Đây là một bước tốt đẹp để tái xây dựng lòng tin”.
Sau tin tức này, cổ phiếu ở châu Âu đã tăng điểm trong phiên giao dịch đầu ngày 13-7. Theo Reuters, chỉ số Euro STOXX 50 tăng 1,3%, trong khi chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 1%.
Các chỉ số DAX của Đức, CAC của Pháp và FTSE 100 của Anh tăng từ 0,6 - 1,4%. Các chỉ số chứng khoán ở Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) đều tăng điểm.
Hi Lạp đã “chịu trói”?
Thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba cho Athens (tính từ năm 2010) đạt được sau cuộc hội đàm kéo dài 17 giờ liên tục từ ngày 12/7 sang rạng sáng 13/7. Khi đồng hồ điểm nửa đêm, như Reuters mô tả, hầu hết các nhà lãnh đạo tranh thủ chợp mắt, chơi trò chơi điện tử trong các văn phòng dành cho đại biểu, trong khi Chủ tịch Tusk và các lãnh đạo Đức, Pháp, Hi Lạp gặp riêng nhiều lần để đi đến một thỏa thuận.
Trước đó, các lãnh đạo khối đồng euro đã đưa ra tối hậu thư đối với Hi Lạp khi buộc Athens phải chấp nhận các biện pháp cải tổ kinh tế khắc khổ hoặc trở thành nước đầu tiên bị đẩy ra khỏi khối đồng tiền chung.
“Quyết định này đem lại cho Hi Lạp một cơ hội để tránh những hậu quả về xã hội và chính trị - ông Tusk tuyên bố tại cuộc họp báo sau hội đàm - Các điều kiện ngặt nghèo phải được đáp ứng”.
Tuy nhiên, theo AFP, một số nhà lãnh đạo cảnh báo thỏa thuận trên mới chỉ mang tính kế hoạch trong bối cảnh vẫn còn những bức xúc về thái độ của Hi Lạp trong suốt sáu tháng đàm phán vừa qua.
Thủ tướng Estonia Taavi Roivas giải thích: “Châu Âu mới chỉ quyết định một lộ trình. Bây giờ mọi thứ phụ thuộc vào việc thực hiện nó”.
Thỏa thuận về gói giải cứu mới cho Hi Lạp cũng làm dấy lên trào lưu từ khóa “ThisIsACoup” (Đây là một cuộc đảo chính) trên mạng xã hội Twitter, ý nói việc thỏa thuận đi kèm các điều kiện khắc khổ đã tước đi chủ quyền tài chính của Athens.
Các nhà phân tích nổi tiếng như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman giải thích từ khóa này: “Thực chất cụm từ này muốn nói rằng các nước đồng euro, khối do những nước cứng rắn về tài chính như Đức, đã đưa ra một kế hoạch buộc Hi Lạp phải thực hiện các biện pháp đưa nước này vào vòng kiểm soát kinh tế một cách hiệu quả”.
Đường còn dài
Theo Reuters, nếu phía Hi Lạp đáp ứng các điều kiện, Quốc hội Đức sẽ họp vào ngày 16-7 để ủy thác cho Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble mở cuộc đàm phán về khoản vay mới. Khi đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ chính thức khởi động đàm phán.
Hôm 13/7, Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras tuyên bố đất nước đã chiến đấu đến cùng để chốt lại một thỏa thuận giải cứu khó khăn với khối đồng euro, điều sẽ giúp đảm bảo sự ổn định tài chính và tăng trưởng. Ông nói thêm rằng “đại đa số người Hi Lạp sẽ ủng hộ nỗ lực này”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các điều kiện khắc khổ mà các chủ nợ quốc tế áp đặt lên Athens có thể khiến chính phủ của ông Tsipras sụp đổ và gây ra sự phản đối ở Hi Lạp. Ngay cả trước khi các điều kiện cuối cùng được chốt lại thì Bộ trưởng Lao động Hi Lạp Panos Skourletis đã lên truyền hình phản đối các điều kiện này.
Trong một tín hiệu cho thấy ông Tsipras sẽ khó khăn như thế nào trong việc thuyết phục Đảng Syriza của ông chấp nhận thỏa thuận mới này, Bộ trưởng Skourletis nói các điều kiện của châu Âu là “không khả thi” và điều này cần phải có sự hậu thuẫn của phe đối lập trong quốc hội hoặc một chính phủ đoàn kết quốc gia để thực hiện.
Ông cũng nói thêm rằng có thể diễn ra bầu cử sớm trong năm nay. Đảng đối lập To Potami ở Hi Lạp ngay lập tức tuyên bố sẽ không gia nhập chính phủ đoàn kết với đảng cầm quyền Syriza nhưng sẽ ủng hộ một giải pháp vì lợi ích quốc gia.
Bà Merkel trong khi đó cảnh báo rằng Hi Lạp và các đối tác châu Âu vẫn sẽ đối mặt với một con đường chông gai phía trước trong việc chốt lại gói cứu trợ thứ ba cho Athens. “Đường còn dài và khó khăn” - bà nói.
Hoặc theo, hoặc ra đi
AFP trích bản dự thảo về kế hoạch cứu trợ cho biết trong các biện pháp bao gồm buộc Hi Lạp phải tổ chức phiên biểu quyết ở Quốc hội trong khoảng từ ngày 13 đến 15-7 để thông qua các cải cách về thuế và trợ cấp, đặt 50 tỉ euro (55 tỉ USD) tài sản nhà nước dưới sự giám sát của châu Âu như một khoản thế chấp và cam kết cải tổ thị trường lao động và tư hữu hóa.
Nếu từ chối, Hi Lạp sẽ bị buộc phải ra khỏi khối đồng euro, điều sẽ khiến nền kinh tế đang vốn tồi tệ trở nên thảm hại hơn.
|
Theo Tuổi trẻ