Thế giới

Đặc phái viên John Kerry: Hàng tỉ USD sẵn sàng đổ vào Việt Nam

ClockThứ Ba, 06/09/2022 10:15
Trong cuộc phỏng vấn hẹp với báo chí ở Hà Nội ngày 5/9, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã gợi ý một số việc Việt Nam nên làm trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số sinh viên du học MỹChuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên từ Mỹ của ngành hàng không Việt NamMỹ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Ông John Kerry trong cuộc phỏng vấn hẹp với báo chí tại Hà Nội ngày 5/9. Ảnh: VIỆT LINH

"Giải pháp cho khủng hoảng khí hậu là năng lượng sạch, đi lại sạch, sưởi ấm hay làm mát sạch và giảm phát thải" - ông Kerry nói với báo giới Việt Nam sau khi chỉ ra nguy cơ ngập lụt mà ông nhìn thấy từ chuyến đi tới Bến Tre và sông Sài Gòn một ngày trước đó.

Mỹ hỗ trợ tài chính và công nghệ

Đặc phái viên Mỹ chia sẻ ông nhìn thấy sự chưa đồng bộ ở nhiều tỉnh, bao gồm Bến Tre nơi ông vừa thăm, trong việc xây dựng hệ thống truyền tải nối nhà máy điện năng lượng tái tạo với lưới điện quốc gia. Theo ông, đây là sự lãng phí vì dù điện gió và điện mặt trời có thể cung cấp khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Việt Nam, trên thực tế nó chỉ đang đóng góp khoảng 4%.

"Chúng tôi có thể hỗ trợ tài chính, giúp thúc đẩy tài chính quốc tế và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Đây sẽ là một quan hệ mang tính đối tác", ông Kerry khẳng định.

Đề cập đến Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, ông Kerry cho rằng kế hoạch này chưa đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

"Bản thân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu đánh giá lại bản kế hoạch này", ông Kerry đề cập đến yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng trước, trong đó người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu làm rõ về giá của năng lượng tái tạo trước khi phê duyệt.

Theo ông Kerry, ở các quốc gia châu Âu, điện than chỉ là phương án phòng hờ trong ngắn hạn, do đó ông khuyến nghị Việt Nam không nên đưa điện than vào kế hoạch dài hạn.

"Tất cả chúng ta đều biết cần phải làm gì, chúng ta chỉ cần nhanh hơn để biến những điều đó thành hiện thực. Đó là lý do vì sao tôi ở đây để thống nhất với các lãnh đạo Việt Nam những cách có thể làm để đẩy nhanh quá trình đó", cựu ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ rằng Việt Nam sẽ mất bao lâu để chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch, ông Kerry cho biết "quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất một thời gian dài, có thể là vài thế hệ để xây dựng, đưa các luật vào thực thi, cơ sở hạ tầng...".

Nhưng theo cựu ngoại trưởng Mỹ, điều có thể tạo ra sự khác biệt lớn chính là Việt Nam phải bám sát lộ trình của mình, cần làm ngay việc tăng nguồn cung cấp năng lượng sạch, nhanh chóng giảm lượng phát thải và giải quyết vấn đề khí methane.

Chúng ta phải làm thế (chuyển đổi năng lượng sạch) không phải vì ông John Kerry tới đây và nói thế, hay vì Tổng thống Joe Biden có chương trình gì đó, mà là vì hàng nghìn nhà khoa học khắp thế giới đã nói đây là điều phải làm.

Ông JOHN KERRY

Việt Nam cần tạo sân chơi

Lấy ví dụ về sự cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines sau khi Vietjet tham gia thị trường hàng không, ông Kerry cho rằng Việt Nam nên để sân chơi năng lượng tái tạo và xây dựng hệ thống truyền tải hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Điều tích cực là Việt Nam đã xây các nhà máy điện gió và điện mặt trời, song theo ông Kerry, việc làm này sẽ bớt ý nghĩa nếu không có hệ thống truyền tải.

"Chi phí năng lượng tái tạo cao không phải do quá trình xây dựng. Rất nhiều công ty toàn cầu sẵn sàng đấu thầu và xây dựng cho Việt Nam với giá cạnh tranh, công bằng. Điều Việt Nam cần làm là tạo ra một sân chơi để họ có thể tham gia", đặc phái viên Mỹ nêu vấn đề.

Ngoài việc "cởi trói" các quy định, theo ông Kerry, Việt Nam cần tính đến sự minh bạch và ổn định trong dài hạn, vì có như vậy các nhà đầu tư mới cảm thấy yên lòng.

"Có hàng tỉ USD trên thế giới sẵn sàng đổ vào Việt Nam. Nhưng những người bỏ ra số tiền đó muốn có khả năng nói chuyện được với những người có trách nhiệm tại Việt Nam. Họ muốn tiền đi phải trở lại và nhiều hơn ban đầu, họ không phải dạng ném tiền qua cửa sổ", ông nói.

Cùng có mặt tại cuộc phỏng vấn, ông Jake Levine - người đứng đầu văn phòng về khí hậu của Tập đoàn Phát triển tài chính Mỹ (DFC) - cho rằng việc chuyển sang năng lượng tái tạo với chi phí cao hơn sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

"Những công ty xuyên quốc gia như Amazon, Adidas, Samsung hay các tập đoàn lớn khác có cam kết giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu. Vì lẽ đó, họ luôn tìm kiếm những nơi có thể thiết lập chuỗi cung ứng sử dụng năng lượng sạch", ông Levine nêu lập luận.

"Tôi đang chạy xe điện"

Đó là chia sẻ của ông Kerry trong cuộc phỏng vấn ngày 5/9, trong đó ông mô tả xe điện là một phương tiện tuyệt vời, vừa êm vừa mạnh lại không phát thải và yên tĩnh.

Bổ sung thêm vấn đề xe điện, ông Jake Levine cho biết DFC cũng muốn hỗ trợ VinFast ngay tại Việt Nam để giúp tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất xe điện nội địa. "Tôi nghĩ nếu Việt Nam sử dụng mô hình quản lý và chính sách mà Mỹ gợi ý, thị trường xe điện Việt Nam sẽ rất sôi động", ông Levine chia sẻ.

Tổng thống Biden rất muốn thăm Việt Nam

"Tôi có thể xác nhận Tổng thống Biden đang rất muốn thăm Việt Nam nhưng vẫn chưa có ngày cụ thể được lên lịch", ông Kerry tiết lộ với báo giới Việt Nam.

Ông cho biết Tổng thống Biden hiện đang khá bận với các vấn đề nóng như xung đột ở Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc nên chưa thể sắp xếp sang Việt Nam.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Chalermchai Sri-on chia sẻ, nước này đặt mục tiêu sẽ giảm nhiều hơn lượng khí thải độc hại, khi những nỗ lực của Thái Lan vẫn chưa đạt được mục tiêu giúp kiểm soát nhiệt độ ngày càng tăng của hành tinh.

Thái Lan sẽ tăng mục tiêu giảm phát thải
Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hệ thống thoát nước ở Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương tính đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thoát nước mưa trong khu vục. Tuy nhiên, vẫn có một số vị trí có tình trạng ngập úng cục bộ do vướng mặt bằng nên chưa đầu tư liên thông hệ thống thoát nước đồng bộ.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị
Return to top