Bức tranh tương lai thế giới "không mấy sảng sủa" từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng cho khắp các nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters/Báo Thanh Niên
Những đánh giá này được đưa vào báo cáo Xu hướng toàn cầu của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, một tài liệu được làm mới 4 năm/lần. Trong đó, báo cáo năm nay được làm ra để giúp các nhà hoạch định chính sách và người dân dự đoán các lực lượng, yếu tố về kinh tế, môi trường, công nghệ và nhân khẩu học có thể hình thành thế giới trong 20 năm tới.
Được biết, tài liệu tập trung nhiều vào tác động của đại dịch, gọi COVID-19 là “sự gián đoạn toàn cầu nghiêm trọng nhất và duy nhất kể từ Thế chiến thứ II, với các tác động về sức khỏe, chính trị và an ninh vẫn sẽ còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm tới”.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xác nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 8/4 vừa qua, qua đó nhấn mạnh về sự kéo dài của đại dịch.
Cũng theo nội dung bản báo cáo, đại dịch COVID-19 đã làm lung lay những giả định lâu nay về sự phục hồi và thích ứng của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra những bất ổn mới về nền kinh tế, chính quyền, địa chính trị và công nghệ.
Bản báo cáo tìm ra nguyên nhân cho mối quan tâm xuất hiện trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.
Đơn cử, báo cáo cảnh báo những tác động của biến đổi khí hậu có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề về mất an ninh lương thực và nước ở các nước nghèo, cũng như đẩy nhanh tiến trình di cư toàn cầu. Mặc dù sức khỏe, giáo dục và sự thịnh vượng của người dân đã chứng kiến mức độ cải thiện mang tầm lịch sử trong những thập kỷ gần đây, song tiến trình này sẽ tiếp tục trở nên khó duy trì bởi những “sóng gió” không chỉ xuất hiện từ những ảnh hưởng của đại dịch mà còn là từ dân số già hóa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ chậm lại.
Những tiến bộ trong công nghệ có khả năng giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu và thiên tai, song cùng lúc cũng có thể tạo nên những căng thẳng mới.
Các quốc gia đối thủ sẽ tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với những rủi ro tiềm ẩn và hệ lụy đối với an ninh kinh tế, quân sự và xã hội. Vấn đề về “xói mòn lòng tin” cũng có thể sẽ xuất hiện....
Đến ngày 8/4 vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Các xe cấp cứu chở bệnh nhân nặng đã xếp hàng dài ở Brazil. Các nhà lãnh đạo ở Detroit, bang Michigan (Mỹ) cũng bắt đầu lên kế hoạch gõ cửa từng nhà dân để thuyết phục mọi người đi tiêm vaccine.
Trở lại với Brazil, trong tuần này, Brazil trở thành quốc gia thứ 3, sau Mỹ và Peru báo cáo số ca tử vong do COVID-19 vượt qua 4.000 người. Ấn Độ có số ca nhiễm mới cao nhất trong 24h qua, với gần 127.000 trường hợp, Iran cũng lập kỷ lục với số ca nhiễm mới cao trong 3 ngày liên tiếp là gần 22.600 trường hợp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi mọi người tiêm phòng và nhấn mạnh trong một dòng Tweet rằng: “Tiêm phòng là một trong số ít những cách để chúng ta có thể đánh bại đại dịch. Nếu bạn đủ điều kiện tiêm phòng, hãy đi tiêm sớm”.
Hiện Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 20% dân số là người trưởng thành và New Mexico cũng trở thành tiểu bang đầu tiên tiêm chủng cho 25% dân số - những cột mốc vẫn còn rất xa đối với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
Đan Lê (Lược dịch từ AP News)