Mỹ và Trung Quốc cuối tuần trước đã đạt được một phần của thỏa thuận thương mại liên quan sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản trong khuôn khổ vòng đàm phán cấp cao ở thủ đô Washington DC. Các nhà đàm phán đang có 5 tuần để đưa ra chi tiết của một văn bản thực sự, có khả năng được hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ ký tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới ở Chile.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đưa cho Tổng thống Trump bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi ông Trump thông báo về thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Trung Quốc ở Nhà Trắng ngày 11/10. Ảnh: Getty
Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC hôm qua (14/10), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đánh giá cao kết quả các cuộc đàm phán vừa qua, giúp đặt nền tảng cho hai bên hoàn thành văn bản thỏa thuận giai đoạn 1:
“Chúng tôi đã đạt được các bước tiến lớn trong các cuộc đàm phán vào tuần trước. Chúng ta đang có một thỏa thuận nền tảng cho một văn kiện hoàn chỉnh, mặc dù còn nhiều việc phải làm. Các vấn đề đã được giải quyết trong các cuộc đàm phán gần đây là bản quyền trí tuệ, dịch vụ tài chính và đáng kể nhất là vấn đề liên quan đến nông nghiệp - một điểm chính trong cuộc chiến đánh thuế trả đũa lẫn nhau giữa hai bên”.
Mặc dù vậy, có thể nói trong bất cứ một thoả thuận thương mại nào, điều khó khăn nhất vẫn là xác định chi tiết đưa vào văn bản kí kết cuối cùng. Hai bên đều đang sử dụng các ngôn ngữ khác nhau để miêu tả về thỏa thuận vừa đạt được. Tổng thống Trump gọi đó là một thỏa thuận giai đoạn 1 quan trọng, đồng thời khẳng định đây là “giai đoạn hàn gắn” sau nhiều tháng bất đồng. Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc lại có cách tiếp cận thận trọng hơn, tránh sử dụng từ “thỏa thuận” khi chỉ nói rằng đã có các bước tiến lớn được đưa ra.
Đề cập những vấn đề đạt được trong thỏa thuận sơ bộ, giới phân tích cho rằng vẫn có những vấn đề chưa được giải quyết. Trước hết là vấn đề nông nghiệp. Tổng thống Trump thông báo Trung Quốc sẽ ngay lập tức mua một lượng lớn các sản phẩn nông nghiệp của Mỹ, trong đó có thể bao gồm đậu nành và thịt lợn. Một số ý kiến cho rằng, đây có thể không phải là kết quả của tiến trình đàm phán nhượng bộ từ Trung Quốc, mà thực tế cam kết của Trung Quốc chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước hiện nay, khi nước này đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn khan hiếm nghiêm trọng.
Đối với vấn đề áp thuế, trong thỏa thuận sơ bộ, Mỹ sẽ không thực hiện kế hoạch áp thuế bổ sung có hiệu lực vào tuần này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ kế hoạch áp thuế Trung Quốc vào ngày 15/12 tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm qua (14/10) cho biết, một vòng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc có khả năng sẽ được thực hiện, nếu hai bên không tiến đến một thỏa thuận. Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là về vấn đề thuế quan, khi hai siêu cường kinh tế cũng đang rơi vào cuộc cạnh tranh thống trị công nghệ tương lai. Ngoài ra, cải cách cấu trúc và tiền tệ cũng đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Mỹ và Trung Quốc thừa nhận, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hai bên có thể hoàn thành văn kiện để đưa ra kí kết. Các cuộc tiếp xúc đang được tích cực thực hiện. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer đang lên kế hoạch điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới, trong khi các quan chức cấp phó vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận trong tuần này. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc cũng muốn xúc tiến thêm các cuộc đàm phán ngay cuối tháng 10 này để đưa ra chi tiết về thoả thuận "giai đoạn 1". Theo đó, Trung Quốc có thể cử một phái đoàn do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới Mỹ đàm phán, để hoàn tất thỏa thuận mà lãnh đạo 2 nước dự kiến ký kết ở Chile.
Theo VOV