Thế giới

Dân số vượt Trung Quốc, Ấn Độ chạy đua để “giàu trước khi già”

ClockThứ Sáu, 21/04/2023 08:48
TTH.VN - Theo dữ liệu vừa được công bố của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Ấn Độ đang trên đường trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với dân số cao hơn Trung Quốc khoảng gần 3 triệu người vào giữa năm nay.

Cơ hội tận dụng lợi ích hay nguy cơ đối mặt với thảm họaQuốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

leftcenterrightdel
 Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, dân số Ấn Độ ước tính sẽ đạt 1,4286 tỷ người, so với 1,4257 tỷ người của Trung Quốc, “Báo cáo tình hình dân số thế giới” năm nay của UNFPA cho biết. Các chuyên gia dân số sử dụng dữ liệu trước đây của LHQ đã dự đoán dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong tháng này, nhưng báo cáo mới nhất của UNFPA không nêu rõ ngày tháng. Dù vậy, các dự báo đều cho thấy Ấn Độ sẽ đạt cột mốc lịch sử vượt qua dân số Trung Quốc đại lục trong năm nay. Điều này xảy ra chỉ vài năm sau khi Ấn Độ giành lấy danh hiệu nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới từ nước láng giềng phía bắc.

Nhưng chỉ riêng các danh hiệu thôi sẽ không đủ để Ấn Độ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới. Bloomberg Economics cho rằng Ấn Độ cần phải thúc đẩy 4 lĩnh vực lớn, bao gồm: đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng và mở rộng lực lượng lao động, cùng với thúc đẩy sản xuất, nhằm tận dụng tối đa lợi tức nhân khẩu học và định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong quá trình này.

“Đất nước trẻ, nói tiếng Anh và lực lượng lao động đang tăng lên đã hỗ trợ sáng kiến ‘Made in India’ của chính phủ. Những thuận lợi về địa chính trị cũng đang góp phần vào quá trình này”, ông Abhishek Gupta, nhà kinh tế cấp cao tại Bloomberg Economics, nhận xét.

Đô thị hóa

Việc Ấn Độ tăng tỷ lệ cư dân thành thị nhanh như thế nào và liệu nước này có thể tạo ra đủ việc làm có chất lượng để đáp ứng sự thay đổi hay không mang ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu tăng trưởng của đất nước.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, Ấn Độ có thể sẽ có thêm 270 triệu cư dân thành thị.

Sự thay đổi đã được nhìn thấy ở các siêu đô thị của Ấn Độ. Nhiều tòa nhà chung cư mới sáng bóng nằm rải rác ở thủ đô Delhi khi những người giàu có mới nổi tăng cường đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, các dịch vụ công cộng vẫn chưa phát triển tương xứng.

Yukon Huang, thành viên cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng Ấn Độ sẽ cần đi theo con đường của Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc biến các thành phố trở nên hiện đại và hiệu quả. 

Cơ sở hạ tầng

Để quá trình đô thị hóa mang lại hiệu quả kinh tế, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014, quá trình này đã đạt một số tiến bộ: lượng hành khách đi máy bay nội địa đã tăng gần gấp đôi và mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã mở rộng hơn 50%.

Về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ là một trong những cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất trên thế giới. Chỉ trong vài năm, hầu hết mọi người Ấn Độ đều nhận được chứng minh thư quốc gia - được gọi là Aadhaar - được liên kết với mọi thứ, từ hợp đồng thuê nhà đến tài khoản ngân hàng và phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực khác, Trung Quốc vẫn còn vượt xa. Dù Ấn Độ là một trong những nước có biểu giá điện thoại thấp nhất trên thế giới, nhưng tỷ lệ sử dụng internet vẫn kém xa Trung Quốc, cũng như số lượng các chuyến bay hay lưu lượng cảng container cũng thấp hơn.

“Cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ bị thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ, trong khi hệ thống vận chuyển đa phương thức còn yếu kém, phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ để vận chuyển hàng hóa và thực tiễn làm việc không hiệu quả”, ông Priyanka Kishore, giám đốc kinh tế tại IMA châu Á, cho biết. 

Giáo dục

Giáo dục cũng là một trở ngại khác của Ấn Độ. Nhiều bằng cấp được cho là không có giá trị và kỹ năng không phù hợp đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển. Theo một nghiên cứu của Wheebox, một nhóm tư vấn cho các doanh nghiệp, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 7%.

leftcenterrightdel
 Một lớp học ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters/Laodong

Ấn Độ đã tăng 13% chi tiêu cho giáo dục lên 1.100 tỷ rupee (13,4 tỷ USD) trong năm 2023 - mức cao nhất từ trước đến nay, và đang hướng tới mục tiêu cải thiện giáo dục kỹ thuật số và giải quyết các thiếu sót trong giáo dục.

Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là khi phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Từ năm 2010 đến 2020, tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Ấn Độ giảm từ 26% xuống 19%, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.

Mặc dù chiếm 48% dân số nhưng phụ nữ Ấn Độ chỉ đóng góp khoảng 17% GDP, so với 40% ở Trung Quốc. Thu hẹp khoảng cách việc làm giữa nam và nữ có thể làm tăng GDP của Ấn Độ lên gần 1/3 vào năm 2050, tương đương với gần 6.000 tỷ USD, theo một phân tích gần đây của Bloomberg Economics.

Chế tạo

Bốn thập kỷ trước, Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng khi các nước phương Tây tìm kiếm thị trường sản xuất ở nước ngoài, từ đồ chơi, đến TV hay dụng cụ, Trung Quốc đã nắm bắt được thời điểm mà Ấn Độ đã bỏ lỡ. Đến nay, ngành sản xuất chiếm hơn 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, so với chỉ 14% của Ấn Độ.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang lại cho chính phủ Ấn Độ một cú hích mới trong việc tăng tỷ trọng sản xuất. Và nước này đã đạt được một số tiến bộ. Ấn Độ đã dành nhiều ưu đãi cho các nhà cung cấp linh kiện cho Apple Inc để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh từ nước này. Theo thông tin gần đây của Bloomberg, Apple hiện sản xuất gần 7% số lượng iPhone ở Ấn Độ, tăng từ khoảng chỉ 1% vào năm 2021.

leftcenterrightdel
Nhà máy sản xuất Iphone tại Ấn Độ. Ảnh: Foxconn/Vietnam+

Tuy vậy, việc tiến lên trên chuỗi giá trị sẽ không dễ dàng. Luật lao động vẫn còn nhiều hạn chế và so với các quốc gia như Bangladesh hay Việt Nam, Ấn Độ vẫn chưa mấy thành công trong việc tạo ra các khu công nghiệp hiệu quả cao được nhiều nhà sản xuất toàn cầu ưa chuộng.

Hy vọng và thách thức

Khi dân số tiếp tục tăng, việc đạt được những tiến bộ nhanh chóng về đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, phát triển con người và sản xuất sẽ là điều cần thiết trong nhiều thập kỷ chứ không chỉ vài năm. Ấn Độ dự kiến sẽ có thêm 250 triệu dân vào năm 2050 – tức dân số khoảng 1,67 tỷ người.

Với sự gia tăng đó, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 5 giường bệnh trên 10.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc cao gấp khoảng 8 lần. Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ mất nhiều thập kỷ để đạt được mức hiện tại của Trung Quốc.

Cánh cửa nhân khẩu học cũng sẽ không mở rộng mãi. Theo ước tính của LHQ, dân số Ấn Độ có thể bắt đầu giảm vào năm 2047 và giảm xuống còn 1 tỷ người vào năm 2100.

Trong khi đó, LHQ dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt 1,3 tỷ người vào năm 2050. Không giống như các nhà nhân khẩu học, các nhà kinh tế có xu hướng tránh dự báo trước nhiều thập kỷ, vì vậy thật khó để tìm thấy bất kỳ ước tính nào về việc GDP của Ấn Độ vượt qua Trung Quốc. Nhưng nếu Ấn Độ có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 7% và đồng tiền của nước này giữ vững, thì nước này sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để xếp hạng thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Với chính quyền Thủ tướng Modi, rõ ràng, hiện tại chính là thời cơ của Ấn Độ!

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & Bloomberg)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm
Return to top