Thế giới

Để tối đa hóa lợi ích từ EVFTA, Việt Nam cần giải quyết các thách thức môi trường

ClockThứ Bảy, 11/07/2020 12:22
TTH - Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), sau khi Nghị viện châu Âu thông qua hồi tháng 2. Việc phê chuẩn hiệp định đã dọn đường cho Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU vốn có khả năng sinh lời cao và thu hút thêm đầu tư từ khối kinh tế này. Tuy nhiên, với những thách thức môi trường vẫn tồn tại, Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết để gặt hái đầy đủ lợi ích từ hiệp định.

Hiệp định EVFTA: Thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quanEVFTA sắp có hiệu lực, châu Âu thúc giục Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế

Việt Nam cần giải quyết các thách thức môi trường để đạt lợi ích tối đa từ EVFTA. Ảnh: Pinterest

Cơ hội đi kèm nhiều thách thức

Được coi là một trong những hiệp định thương mại toàn diện nhất giữa EU và một quốc gia đang phát triển, EVFTA sẽ loại bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa Việt Nam và EU, đồng thời cũng liên quan đến các cam kết mạnh mẽ, ràng buộc về mặt pháp lý và có thể thực thi đối với sự phát triển bền vững.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại ASEAN, chỉ sau Singapore, với giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt 61,1 tỷ USD/năm. Khối này cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá 6,9 tỷ USD trong năm 2017, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến và sản xuất công nghiệp.

Ngoài thương mại tự do và các vấn đề lao động liên quan, EVFTA cũng bao gồm các cam kết của EU và Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đáp ứng các hiệp định quốc tế khác về môi trường. Kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2012, Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài để đáp ứng các yêu cầu của hiệp định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức môi trường quan trọng.

Với cam kết giảm từ 8%-25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trong các hoạt động kinh doanh thường lệ mà không cần sự hỗ trợ của quốc tế, các nỗ lực của Việt Nam vẫn bị các tổ chức bảo vệ khí hậu EU coi là chưa đủ. Đồng thời, kế hoạch tăng tỷ lệ than và khí đốt lên 57% trong hỗn hợp điện vào năm 2030 của Việt Nam mâu thuẫn với cam kết giảm khí thải nhà kính theo các hiệp định mới của EU. Theo đó, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ EU sẽ áp đặt một loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước không có cơ chế định giá carbon.

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam cũng có thể gây lo ngại về chất lượng nông sản xuất khẩu cho người tiêu dùng EU, những người rất chú ý đến chất lượng của các điều kiện xuất xứ thực phẩm. Hơn nữa, nếu không được giải quyết đúng đắn, việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và kiểm soát (IUU) của Việt Nam sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thẻ vàng hiện nay của EU, gây cản trở cho xuất khẩu thủy sản.

Cần chính sách hợp lý

Theo Diễn đàn Đông Á, các tiêu chuẩn cao về môi trường của EU đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện các vấn đề môi trường đang tồn tại. Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này bằng các chính sách hợp lý và kịp thời. Việc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng trên toàn quốc, tiếp đến là áp thuế carbon đối với nhiên liệu hóa thạch và thiết lập kế hoạch kinh doanh khí thải phù hợp với các đối tượng, sẽ giúp Việt Nam tăng cường cam kết với Thỏa thuận Paris. Song song đó, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong hỗn hợp điện ở Việt Nam theo Kế hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia lần thứ 8 cũng sẽ giúp tạo điều kiện đạt được các mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính.

Ngoài ra, có nhiều cơ hội để tăng cường năng lực thể chế môi trường bằng cách sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường. Cải thiện và thực thi các tiêu chuẩn môi trường có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm nước, loại bỏ tạp chất trong nông sản và cải thiện chất lượng sản phẩm. Tăng cường các quy định về phòng chống buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp, và tạo điều kiện thúc đẩy buôn bán lâm sản từ các khu rừng được quản lý bền vững, sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam đối với EVFTA. Điều này sẽ giúp gia tăng niềm tin trong chuỗi sản xuất và cung ứng của Việt Nam đối với người tiêu dùng và nhà đầu tư EU.

Các chuyên gia cũng cho rằng, giáo dục và đào tạo về các vấn đề môi trường, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ xây dựng năng lực kinh doanh đáp ứng được các yêu cầu về môi trường của EU. Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN khác để giải quyết vấn đề chung này.

Những biện pháp nói trên sẽ cho phép Việt Nam gặt hái những lợi ích tiềm năng từ các hiệp định thương mại và đầu tư mới với EU, đặc biệt là khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19. Điều này cũng sẽ khẳng định cam kết của chính phủ trong việc giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với các tiêu chuẩn và chất lượng môi trường. Như tuyến bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội để đảm bảo tăng trưởng bền vững và thịnh vượng, đây được coi là hướng dẫn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của đất nước.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ East Asia Forum)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024
Việt Nam giành ngôi đầu bảng

Trong trận đấu ở bảng B tối 15/12 trên sân Việt Trì (Phú Thọ), dù được đánh giá cao hơn Indonesia về mọi mặt, đội tuyển Việt Nam khá vất vả mới giành trọn ba điểm nhờ sự tỏa sáng của đội trưởng Quang Hải.

Việt Nam giành ngôi đầu bảng
Return to top