|
WIF 2023 sẽ tìm cách tăng cường đầu tư công - tư vào các hệ thống thực phẩm nông nghiệp bền vững. Ảnh minh họa: FAO |
Các nguyên thủ quốc gia, hơn 50 bộ trưởng các chính phủ, hơn 150 CEO của các công ty và sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu, cùng hàng nghìn bên liên quan đến đầu tư từ 160 quốc gia sẽ tham gia vào hơn 130 sự kiện đồng tổ chức với hơn 80 đối tác, UNCTAD cho biết.
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2023 của UNCTAD, các cuộc khủng hoảng chồng chéo như xung đột ở Ukraine, giá lương thực và năng lượng tăng cao cùng áp lực nợ đã khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 12% vào năm 2022.
“Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như vậy, chúng ta rất cần các bên liên quan đến đầu tư trên toàn thế giới khởi động hành động, huy động thêm nguồn vốn và đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của những cuộc khủng hoảng này”, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho hay.
Cần 2.200 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nước đang phát triển
Về hành động khí hậu, WIF lần thứ 8 này sẽ nêu bật các giải pháp đầu tư dự kiến sẽ được đưa ra đàm phán tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 28 (COP28) diễn ra vào cuối tháng 11 tới tại Dubai.
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2023, những người tham gia diễn đàn sẽ nhất trí về các hành động nhằm tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, vốn phải đối mặt với khoản thiếu hụt đầu tư 2.200 tỷ USD/năm để chuyển đổi sang năng lượng ít phát thải.
Tài trợ cho tương lai ít carbon
Diễn đàn cũng sẽ đề cập đến cách thị trường tài chính bền vững có thể giúp xây dựng một tương lai ít carbon và tăng cường đầu tư vào năng lượng bền vững.
Được biết, giá trị của thị trường tài chính bền vững toàn cầu (trái phiếu, quỹ và thị trường carbon tự nguyện) đạt 5.800 tỷ USD vào năm 2022, bất chấp môi trường kinh tế hỗn loạn, bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng, lợi nhuận thị trường kém và nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập các thị trường tài chính.
Cần tăng đầu tư cho sức khỏe và thực phẩm
WIF 2023 cũng sẽ tìm hiểu các cơ hội để tăng cường đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe. Riêng các nước đang phát triển cần ít nhất 100 tỷ USD đầu tư bổ sung vào cơ sở hạ tầng và cơ sở chăm sóc sức khỏe mỗi năm.
Các đại biểu tham dự cũng sẽ xem xét cách tăng cường đầu tư của khu vực công và tư nhân vào các hệ thống thực phẩm nông nghiệp nhằm giảm tình trạng mất an ninh lương thực, thúc đẩy việc làm ở nông thôn, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động.
Theo UNCTAD, các quốc gia cần tới 350 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới để chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm, khi điều này cũng có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Từ cam kết đến hành động
Diễn đàn cũng sẽ cung cấp cho các quốc gia một nền tảng để biến các cam kết về tạo thuận lợi đầu tư thành các hành động và cải cách hữu hình.
“Đây là cơ hội vàng để các nước đang phát triển đánh giá khả năng thu hẹp khoảng cách đầu tư thông qua xúc tiến và tạo thuận lợi để đầu tư hiệu quả hơn”, ông James Zhan, Giám đốc UNCTAD, nhấn mạnh.