Do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm nhẹ trong tháng 2/2020. Ảnh: VOV
Chỉ số PMI trong tháng 2 đã tăng lên 50,2 điểm từ mức 49,8 điểm trong tháng 1, báo hiệu sự cải thiện đầu tiên về sức khỏe của ngành sản xuất ASEAN trong 9 tháng qua, khi chỉ số PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng.
Trong báo cáo mới của IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, nhưng chỉ là tăng nhẹ. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong sản lượng và việc làm đã tác động lên chỉ số toàn phần khi sản lượng đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2019 và số lượng việc làm giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng qua.
Trong số 7 quốc gia được khảo sát (bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Philippines ghi nhận kết quả hoạt động tốt nhất trong tháng 2 với chỉ số PMI toàn phần đạt 52,3 điểm, báo hiệu tốc độ cải thiện nhanh nhất của các điều kiện hoạt động kể từ tháng 12/2018.
Với Việt Nam, chịu ảnh hưởng chung từ sự bùng phát dịch bệnh COVID-19, chỉ số toàn phần của Việt Nam dừng ở mức 49,0 điểm, báo hiệu lần suy giảm đầu tiên về sức khỏe lĩnh vực sản xuất kể từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, mức độ giảm nhìn chung chỉ là nhỏ.
Dữ liệu tháng 2 cũng cho thấy hàng tồn kho trước sản xuất giảm nhanh nhất trong 4 tháng, trong khi hàng tồn kho thành phẩm giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái.
Về mặt giá cả, nhìn chung vẫn ở mức vừa phải, nhưng gánh nặng chi phí tiếp tục tăng, với tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 5/2019. Mặc dù vậy, chi phí tăng đã không được chuyển sang cho khách hàng khi giá bán hàng hầu như không thay đổi.
Tính trung bình, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, nhưng mức độ lạc quan nhìn chung đã giảm xuống mức thấp trong 4 tháng, báo cáo của IHS Markit nêu rõ.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The Edge Markets)