Thế giới

Đông Nam Á: Các nhà bán lẻ trực tuyến lạc quan về tăng trưởng

ClockThứ Tư, 04/08/2021 14:59
TTH.VN - Trái ngược với lĩnh vực bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề tại các trung tâm thương mại và địa điểm truyền thống, các doanh nghiệp trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến ​​doanh số bán hàng được “cải thiện đáng kể” trong nửa đầu năm nay.

Trạng thái bình thường mới trong xu hướng kỹ thuật số của các SMESau khủng hoảng COVID-19, thương mại toàn cầu tăng cao kỷ lục trong quý I/2021

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự mở rộng của thương mại điện tử. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Khoảng 52% nhà bán hàng trực tuyến đã báo cáo mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2021, với 70% kỳ vọng mức tăng trưởng hơn 10% trong quý III năm nay. Trong số 70% này, một phần ba (tương đương với 33%) nhà bán hàng trực tuyến được khảo sát cực kỳ tự tin rằng, doanh số bán hàng của họ sẽ tăng hơn 30% trong cùng kỳ.

Các số liệu này được đưa ra dựa trên Chỉ số Niềm tin Thương mại kỹ thuật số, lần đầu tiên được Nền tảng thương mại điện tử Lazada công bố. Báo cáo được thực hiện 2 lần/năm là một cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh, nhằm tìm ra quan điểm của những nhà bán hàng trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á về ngành thương mại kỹ thuật số, đồng thời làm sáng tỏ những thách thức và cơ hội ở phía trước.

Trong đó, Chỉ số Niềm tin Thương mại kỹ thuật số đã tiến hành khảo sát 750 nhà bán hàng trực tuyến trên 6 thị trường ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, và Singapore.

Chỉ số tổng thể đạt được một số điểm “lạc quan” là 64 điểm; dựa trên phổ điểm với mức 0 điểm là “rất bi quan”, và 100 điểm là “rất lạc quan”.

Ông Magnus Ekbom, Giám đốc Chiến lược của Lazada Group nhận định, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nắm bắt công nghệ mới và đạt được những năng lực kỹ thuật số để chuyển đổi và khẳng định hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai. Bất chấp tình hình dịch bệnh khó khăn và những thách thức đang diễn ra, Chỉ số Niềm tin Thương mại kỹ thuật số cho thấy các nhà bán hàng trực tuyến vẫn kiên cường và lạc quan về tương lai.

Bên cạnh đó, Lazada lưu ý thêm, với 47% người tiêu dùng giảm mua hàng ngoại tuyến, và 30% người tiêu dùng tăng chi tiêu trực tuyến vào năm 2020, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự mở rộng của thương mại điện tử và biến lĩnh vực này trở thành "chiến trường" chủ chốt cho những nhà bán hàng muốn mở rộng quy mô kinh doanh.

Trong khi đà tăng trưởng mạnh mẽ thường được ghi nhận trên tất cả các ngành hàng bán lẻ, các nhà bán hàng từ ngành hàng điện tử và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dường như là những bên được hưởng lợi lớn nhất, với 53% nhà bán hàng báo cáo hoạt động kinh doanh của họ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay.

Ngoài ra, báo cáo cũng phát hiện ra những khác biệt thú vị trong cách những nhà bán hàng nhìn nhận về tương lai. Chẳng hạn như, những nhà bán hàng từ phân khúc thời trang đã có bước nhảy vọt lớn nhất về niềm tin về tương lai. Mặc dù 48% cho rằng, hoạt động kinh doanh của họ đã cải thiện trong nửa đầu năm 2021, 75% khẳng định sự kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III năm 2021, và gần 40% trong số đó dự báo mức tăng trưởng sẽ vượt 30% trong cùng kỳ.

Ông Roshan Raj, đối tác tại Công ty tư vấn quản lý Redseer của Ấn Độ cho hay: “Các chương trình tiêm chủng đã có tác động đáng kể, và các nền tảng đã chứng kiến ​​thời trang phục hồi với mức tăng trưởng hơn 70% trong quý II năm 2021, so với một quý trước đó ở một số ngành hàng, mà chủ yếu là quần áo”.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Edge Singapore)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng
Return to top