Thế giới

Đông Nam Á: Cải thiện động lực tăng trưởng theo ngành để thúc đẩy sự phục hồi

ClockThứ Sáu, 13/05/2022 16:42
TTH.VN - Theo một báo cáo mới do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày hôm nay (13/5), việc chuyển đổi các ngành công nghiệp du lịch, may mặc và chế biến nông sản của Đông Nam Á, cũng như tận dụng những tiến bộ trong ngành công nghiệp điện tử và thương mại kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho sự phục hồi của khu vực này từ đại dịch COVID-19.

ADB: Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục phục hồi, Việt Nam là điểm sángNgân hàng ADB dự đoán Đông Nam Á tăng trưởng 5,1% trong năm 2022

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Bình Dương​. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, báo cáo có tiêu đề “Phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ở Đông Nam Á” xem xét các cơ hội tăng trưởng, cũng như những chiến lược theo ngành, và cải cách ưu tiên có thể hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, ông Ramesh Subramaniam cho biết: “Các triển vọng phục hồi ở khu vực Đông Nam Á là đáng khích lệ; tuy nhiên, không phải là không có những rủi ro kéo dài, bao gồm sự bất ổn leo thang từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, sự xuất hiện của các biến thể COVID-19, và hậu quả để lại từ đại dịch thông qua những thiệt hại lớn về việc làm và giáo dục, tình trạng gián đoạn sản xuất và niềm tin kinh doanh mong manh, cũng như tăng trưởng năng suất giảm sút”.

Qua đó, ông Ramesh Subramaniam nhận định, việc hỗ trợ các ngành công nghiệp với lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy sự phục hồi xanh, linh hoạt và bao trùm sẽ không chỉ yêu cầu sự can thiệp theo ngành cụ thể từ các Chính phủ, mà còn phải có các biện pháp đan xen, nhằm khuyến khích môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng được cải thiện, và các liên kết nội vùng mạnh mẽ hơn.

Ngành du lịch

Tính theo các ngành công nghiệp, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức mới cho ngành du lịch. Nhằm xây dựng lại ngành này, báo cáo của ADB khuyến nghị phục hồi nhu cầu du lịch thông qua các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, các tiêu chuẩn du lịch an toàn hơn, cũng như những dịch vụ du lịch đa dạng hơn, lao động có tay nghề cao hơn và được trả lương cao hơn, bên cạnh việc ứng phó quản lý khủng hoảng mạnh mẽ hơn, nhằm xây dựng khả năng phục hồi nhanh của ngành này.

Ngành nông nghiệp

Trong khi ngành nông nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn bởi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, báo cáo nói trên đã lên tiếng kêu gọi các Chính phủ trong khu vực bổ sung các hoạt động chế biến nông sản có giá trị cao hơn, để có thể hỗ trợ sự phục hồi hậu COVID-19.

Theo đó, việc tăng cường lĩnh vực này sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn thực phẩm hài hòa, những chuỗi cung ứng hiệu quả và minh bạch, việc sử dụng công nghệ và các quy trình được cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng các quy định được tổ chức hợp lý, và những quan hệ đối tác hiệu quả.

Ngành điện tử

Ngoài ra, những thách thức về cấu trúc cũng được nhận thấy trong lĩnh vực điện tử của khu vực, bao gồm sự đa dạng hóa hẹp trên các chuỗi cung ứng điện tử, các sản phẩm và quy trình có giá trị gia tăng thấp, những công nghệ đột phá có thể mang đến tác động tiêu cực tới việc làm, cũng như những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và xu hướng tiêu dùng.

Để nâng cao tính năng động của ngành công nghiệp điện tử, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành này, chẳng hạn như sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các doanh nghiệp địa phương, các công ty quốc tế và các Chính phủ; nâng cấp công nghệ của các đặc khu kinh tế về điện tử; chính sách khuyến khích dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn hơn; sự phát triển của các kỹ năng và vốn con người.

Thương mại kỹ thuật số

Đáng chú ý, báo cáo của ADB chỉ ra rằng, thương mại kỹ thuật số có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Phần lớn thương mại kỹ thuật số của khu vực này hiện tập trung vào các thị trường kỹ thuật số, công nghệ thông tin và thuê ngoài quy trình kinh doanh (IT-BPO), trong khi phát triển phần mềm đang được mở rộng ở một số quốc gia.

Trong bối cảnh nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số gia tăng, điều quan trọng là cần tăng cường kết nối kỹ thuật số, đầu tư vào các cơ sở hậu cần và phân phối, phát triển lộ trình IT-BPO, hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng, cũng như xem xét lại các quy định kỹ thuật số nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Ngành may mặc

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc nâng cấp lĩnh vực may mặc cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua các quy định kinh doanh được đơn giản hóa, áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhanh hơn, hoạt động R&D mạnh mẽ hơn, bên cạnh sự tập trung lớn hơn vào hàng may mặc liên quan đến văn hóa, đào tạo kỹ năng, và thiết lập các mô hình sản xuất và kinh doanh linh hoạt hơn có thể hỗ trợ sự phát triển của ngành này.

Được biết, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB James Villafuerte đã trình bày các kết quả của báo cáo trong hội thảo “Phục hồi kinh tế ở ASEAN+3: Những động lực mới của tăng trưởng và lạc quan”. Sự kiện được ADB và Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) phối hợp tổ chức.

Lê Thảo (Lược dịch từ adb.org)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á
Return to top