Thế giới

Đông Nam Á chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

ClockThứ Tư, 26/05/2021 15:35
TTH.VN - Gần như ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020, Đông Nam Á hiện đang đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, kéo theo những áp lực chưa từng có đối với hệ thống y tế và đe dọa làm suy giảm nền kinh tế của các nước trong khu vực.

Đông Nam Á có đang đi đúng hướng trên đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19?Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á tiêm vaccine Covid-19 không cần ra khỏi xeThái Lan sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện cho thế giới hậu đại dịch

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thái Lan, các giường bệnh nhanh chóng hết chỗ sau khi số ca nhiễm COVID-19 đột ngột tăng nhanh, dẫn đến số ca bệnh hằng ngày đạt mức cao nhất vào đầu tháng 4. Con số này tiếp tục tăng vọt trở lại sau lễ năm mới Songkran của nước này.

Kể từ đó, số ca nhiễm đã tăng hơn 4 lần lên gần 135.000 người khi các nhà chức trách phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát trong các nhà tù quá tải, các khu chợ và trại lán của công nhân xây dựng. 

Ở nước láng giềng Malaysia, số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày đã dao động ở mức hơn 6.000 ca trong tuần qua. Hôm qua (25/5), nước này ghi nhận con số kỷ lục 7.289 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao nhất trong một ngày ở Malaysia kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong khi con số hơn 525.000 ca nhiễm COVID-19 của Malaysia thấp hơn nhiều so với con số 26 triệu ca bệnh ở Ấn Độ, nhưng số ca được xác nhận hàng ngày trên đầu người của nước này với mức trung bình 194 ca/triệu người đã vượt qua Ấn Độ, ở mức 178 ca/triệu người.

Theo Reuters, số trường hợp nhiễm COVID-19 mới tăng gần gấp 5 lần kể từ đầu năm đến nay khiến Malaysia trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.

Tổng giám đốc Bộ Y Tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cảnh báo rằng số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày của Malaysia đang tăng theo “xu hướng cấp số nhân”, cộng với các chủng virus đang ngày càng có độc lực mạnh hơn, nước này cần “chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất”.

Tại Philippines, các bệnh viện đã bị quá tải khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt lên hơn 15.000 ca mỗi ngày, gấp 3 lần đợt cao điểm năm ngoái. Khi các bệnh viện hết giường, những câu chuyện đau thương về những bệnh nhân COVID-19 phải chết ở nhà, trong bãi đậu xe và lối đi của bệnh viện đã buộc chính phủ phải quay trở lại với việc áp dụng biện pháp phong toả cứng rắn.

Đáng lo ngại hơn, cả 4 biến thể nguy hiểm bao gồm biến thể B117 có nguồn gốc ở Anh, B1351 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, chủng P1 được tìm thấy ở Brazil và "đột biến kép" B1617 ở Ấn Độ đều đang lưu hành ở Philippines, Tiến sĩ Abhishek Rimal, Điều phối viên Y tế Khẩn cấp ở châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC) cho biết.

Mặc dù Thái Lan và Malaysia đều đang đối mặt với sự bùng nổ các ca bệnh, nhưng các chuyên gia tỏ ra lo ngại hơn về các quốc gia khác, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe không được trang bị tốt và do đó dễ bị tổn thương hơn, chẳng hạn như Campuchia, Lào và Myanmar.

Campuchia và Lào đang phải chứng kiến ​​sự gia tăng theo cấp số nhân số ca nhiễm COVID-19. Cả hai nước đều cáo buộc sự bùng phát lần này là do người nước ngoài và lao động nhập cư trở về. Tại Campuchia, biến thể B117 đã tạo ra làn sóng mới ở nước này vào tháng 2 và được cho là đã lan sang Thái Lan.

Các bệnh viện ở Campuchia quá tải đến nỗi Thủ tướng Hun Sen ngày 7/4 đã ra lệnh cho các quan chức y tế chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng 50 lần kể từ tháng 2 lên 25.205 ca tính đến ngày 23/5. 

Tiến sĩ Abhishek cho rằng nếu nói về số ca mắc bệnh tuyệt đối, thì Thái Lan và Malaysia đứng đầu; tuy nhiên, nếu nhìn vào Campuchia, Lào và Myanmar, các nước này không có hệ thống y tế phát triển giống nhau. Vì vậy, số ca mắc ngày càng tăng ở những nước này sẽ là một vấn đề đáng lo ngại…".

Khó thống kê chính xác số người tử vong

Các báo cáo cho thấy đến nay, Đông Nam Á ghi nhận khoảng 78.000 người chết vì COVID-19. Tuy nhiên, số người chết thực sự nhiều khả năng sẽ cao hơn vì nhiều lý do khác nhau.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 70% trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, có nghĩa là nhiều ca bệnh đã không được phát hiện.

Trong một báo cáo công bố ngày 21/5, WHO cho rằng số người có thể đã chết do đại dịch cao gấp 3 lần so với số liệu được báo cáo chính thức. Trong khi đó, The Economist dự đoán số người chết trên toàn cầu cao hơn tới 4 lần, ở mức từ 7-13 triệu, hầu hết ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên tế tại Manila, Philippines . Ảnh: THX/TTXVN

Tổn thất kinh tế

Ở Philippines, xét nghiệm RT-PCR có giá hơn 4.000 peso/lần, cao gấp 8 lần mức lương tối thiểu mỗi ngày, khiến nhiều người do dự làm xét nghiệm. Chưa hết, kết quả xét nghiệm dương tính sẽ dẫn đến việc bị cách ly 2 tuần, đối với những người kiếm sống hàng ngày, điều này sẽ khiến họ tê liệt tài chính.

Các vụ đóng cửa quy mô lớn ở Campuchia để hạn chế sự lây lan của đại dịch cũng gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở những người dễ bị tổn thương về kinh tế, khi họ phải ở trong nhà và trông chờ vào các nguồn cứu trợ.

Những khó khăn này làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của các chính phủ. Tại các quốc gia như Philippines và Malaysia, chính phủ đang tránh đóng cửa hoàn toàn để ngăn nền kinh tế trước nguy cơ rơi tự do.

Theo Straitstimes, trong số các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, chỉ có Singapore và Việt Nam là mở rộng quy mô tăng trưởng, trong khi tăng trưởng GDP ở Malaysia và Philippines giảm 0,5% và 4,2% trong quý I/2021, Indonesia và Thái Lan cũng báo cáo mức tăng trưởng âm.

Mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Theo nhiều chuyên gia y tế, một giải pháp để giảm tử vong do COVID-19 là đạt được miễn dịch cộng đồng. Do đó, sau những khởi đầu chậm chạp, chính phủ các nước trong khu vực đã tăng cường các chiến dịch tiêm chủng, nhưng vẫn chưa đạt được mức cần thiết.

Theo ourworldindata.org và SDG-Tracker, Thái Lan hiện đã tiêm chủng cho khoảng 3 triệu người, tương đương với chỉ hơn 4% dân số. Indonesia và Philippines, chiếm hơn một nửa trong tổng số 655 triệu dân ở Đông Nam Á, chỉ mới tiêm chủng lần lượt được khoảng 5% và 2% dân số nước mình. Trong khi đó Malaysia hiện đã tăng gấp 3 lần số liều được sử dụng trung bình trong 7 ngày so với chỉ 1-2 tuần trước. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết 80% dân số nước này có thể được tiêm chủng trước cuối năm nay.

Khi việc tiêm chủng được tiến hành một cách nghiêm túc, một số công ty và trường đại học ở Việt Nam và Thái Lan đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine nội địa. Tuy nhiên, phần lớn đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc tìm nhà sản xuất có thể nhận đơn đặt hàng của họ, giữa bối cảnh lịch trình sản xuất dày đặc hiện nay.

Dự kiến sẽ mất một thời gian trước khi Đông Nam Á có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Economist Intelligence Unit hồi tháng 4 dự báo các quốc gia trong khu vực sẽ khó đạt được mục tiêu này cho đến ít nhất là cuối năm 2022.

Kinh nghiệm từ các trận đại dịch trong quá khứ cho thấy virus đang tiến hóa nhanh và đợt thứ 2 có xu hướng chết nhanh hơn đợt đầu tiên. Khu vực Nam Á không may đang chịu gánh nặng của làn sóng dịch bệnh thứ hai vào lúc này. Với cường độ di chuyển cao của người dân, Đông Nam Á có thể phải gồng mình chịu một kịch bản tương tự nếu các quốc gia không cùng nhau hành động để chống lại làn sóng dịch bệnh lần này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes & CNA)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top