|
Theo WHO, năm 2019, ước tính có khoảng 12% dân số trên toàn cầu mắc chứng rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa: Getty Images |
“Ở một số quốc gia, khoảng cách điều trị lên tới 90%, nghĩa là có tới 90% những người có nhu cầu về sức khỏe tâm thần không được điều trị và chăm sóc phù hợp, kịp thời hoặc thậm chí không được điều trị và chăm sóc gì cả”, Tiến sĩ Bruni nêu rõ.
Sự kỳ thị vẫn lan rộng
Song song đó, sự kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn còn phổ biến ở Đông Nam Á. Tiến sĩ Bruni cho biết “sự kỳ thị thường xuyên chuyển thành sự phân biệt đối xử đối với những người mắc phải những tình trạng này và đặc biệt rõ rệt đối với những người có tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng”.
Có một niềm tin phổ biến vẫn lan truyền trong khu vực là những người mắc bệnh này cần được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, các bệnh viện tâm thần. Nhưng sự thật không phải vậy. Thực tế là những người mắc bệnh tâm thần cần được tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng, những dịch vụ dễ tiếp cận hơn và tôn trọng quyền của người dân hơn, cố vấn của WHO lưu ý.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực, mọi thứ đang dần thay đổi, thông qua sự tham gia tích cực và trao quyền cho những người có kinh nghiệm và những người chăm sóc cho những bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát
Trong Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tập trung vào quyền phổ quát được có sức khỏe tâm thần tốt của mọi người dân.
Tiến sĩ Bruni cho rằng “sức khỏe tâm thần tốt rất quan trọng đối với sức khỏe và phúc lợi tổng thể của người dân nói chung và mọi người đều có quyền được hưởng các tiêu chuẩn cao nhất có thể về sức khỏe tâm thần”. Nhưng thật không may, ở Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới, những người mắc bệnh tâm thần vẫn tiếp tục phải hứng chịu nhiều bất công. Thậm chí, nhiều người bị loại khỏi cộng đồng và xã hội.
Theo WHO, tính đến năm 2019, gần 1 tỷ người, tức khoảng 1/8 dân số trên khắp thế giới gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia ước tính con số này hiện còn cao hơn nhiều, trong bối cảnh những căng thẳng toàn cầu gần đây như đại dịch COVID-19, xung đột Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
WHO cho biết dù đã có nhiều nghiên cứu về lợi tức đầu tư cao cho sức khỏe tâm thần, nhưng vẫn có sự không phù hợp về mặt đầu tư vào các dịch vụ sức khỏe quan trọng này.
Thúc đẩy hệ thống chăm sóc dựa vào cộng đồng
Theo các nhà quan sát, vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy, bao gồm nghiên cứu và chính sách không đầy đủ, chi tiêu ít ỏi và độ bao phủ điều trị thấp.
Từ đó, Tiến sĩ Bruni đề nghị xúc tiến thêm nhiều mạng lưới chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng hơn khi lâu nay, hầu hết đầu tư nhân lực và tài chính cho sức khỏe tâm thần đều hướng tới các tuyến chăm sóc cấp ba và các bệnh viện tâm thần - những nơi thường không có khả năng thu hẹp khoảng cách điều trị về sức khỏe tâm thần.
“Điều quan trọng là phải đầu tư vào việc củng cố và mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng”, Tiến sĩ Bruni nhấn mạnh.
Ngày càng nhiều thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng
Báo cáo Sức khỏe tâm thần thế giới do WHO công bố năm 2022 cho thấy, rối loạn tâm thần vẫn là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong hơn 1 thập kỷ qua, trong đó trầm cảm và rối loạn lo âu là 2 tình trạng phổ biến nhất. Đáng lưu ý, những chứng rối loạn này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở giới trẻ.
Đồng thời, tự tử cũng là một mối lo ngại cấp bách mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang nỗ lực tìm cách giải quyết.
Theo WHO, ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 người thiệt mạng vì tự tử ở Đông Nam Á. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở thanh, thiếu niên tại nhiều quốc gia.
Với tình trạng này, có một số biện pháp can thiệp cụ thể mà các quốc gia có thể thực hiện, chẳng hạn như quản lý những người có ý định tự tử, thúc đẩy việc đưa tin có trách nhiệm về các vụ tự tử trên các phương tiện truyền thông và xây dựng các kỹ năng sống về mặt xã hội và cảm xúc đối với thanh, thiếu niên.
Rõ ràng, đây là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. “Chúng ta cần nỗ lực giải quyết vấn đề này vì dù các vụ tự tử có thể phòng ngừa được, nhưng ngăn chặn chúng không phải là nhiệm vụ dễ dàng”, Tiến sĩ Bruni nhấn mạnh.