Thế giới
KHU VỰC CHÂU Á ĐANG PHÁT TRIỂN:

Dự báo tăng trưởng được nâng lên nhờ xuất khẩu công nghệ

ClockChủ Nhật, 21/07/2024 07:00
TTH - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang phát triển trong năm 2024, nhờ xuất khẩu liên quan đến công nghệ được cải thiện ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như nhu cầu nội địa mạnh mẽ trên toàn khu vực.

Xuất khẩu các sản phẩm ICT của Hàn Quốc đạt mức cao mớiHàn Quốc: Xuất khẩu ICT đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6

 Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất chip. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á mới nhất được ADB công bố ngày 17/7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á đang phát triển hiện được dự báo tăng trưởng ở mức 5% trong năm nay, nhanh hơn một chút so với mức 4,9% được dự báo trước đó hồi tháng 4. Đối với năm 2025, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 4,9%.

Tại khu vực châu Á đang phát triển, “nhu cầu nội địa ổn định, cùng với hoạt động xuất khẩu và sản xuất được cải thiện sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm nay”. Được biết, ADB định nghĩa khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 nền kinh tế thành viên.

Bên cạnh đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc ở mức 4,8% trong năm nay, và 4,5% cho năm 2025. Ngoài Trung Quốc, báo cáo mới nhất cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như Hồng Kông (Trung Quốc) và Ấn Độ vào năm 2024 so với dự báo trước đó.

Đáng chú ý, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng đối với Hàn Quốc lên 2,5% từ mức 2,2%, và Đài Loan (Trung Quốc) lên 3,5% từ mức 3%; đồng thời cho biết, hai nhà xuất khẩu công nghệ này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt của thế giới đối với các thiết bị điện tử.

Nhận định về dự báo này, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho rằng, dự báo mới nhất ngang bằng với các dự báo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đưa ra. Theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc, xuất khẩu, một động lực tăng trưởng quan trọng, đã tăng 5,1% lên 57 tỷ USD trong tháng 6 vừa qua, mức tăng hàng tháng thứ 9 liên tiếp, khi xuất khẩu chip tăng 50,9%, đạt mức cao nhất mọi thời đại hàng tháng.

Việt Nam và Philippines có mức tăng trưởng nhanh hơn

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng đối với Đông Nam Á trong năm 2024 và năm 2025 nhờ “sự cải thiện vững chắc” về nhu cầu trong và ngoài nước. Khu vực bao gồm 10 nền kinh tế thành viên ASEAN và Timor-Leste được dự báo tăng trưởng 4,6% vào năm 2024 và 4,7% trong năm 2025, tăng từ mức 4,1% của năm ngoái.

Theo ADB, tiêu dùng được hỗ trợ một phần nhờ giá cả ổn định và các hoạt động liên quan đến du lịch gia tăng, sẽ tiếp tục thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á bất chấp bối cảnh tiền tệ thắt chặt.

Các động lực khác bao gồm sự phục hồi xuất khẩu dự kiến khi sản xuất mở rộng và chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng lên ở các nền kinh tế lớn hơn trong khu vực, qua đó tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đầu tư và tăng trưởng.

Dự báo mới nhất đối với tất cả các nền kinh tế lớn của ASEAN không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4. Cụ thể, trong năm nay, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6%, nhanh hơn so với các nền kinh tế trong khu vực; với Indonesia 5%, Malaysia 4,5%, Thái Lan 2,6%, và Singapore 2,4%.

Trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với chất bán dẫn và điện tử, trong bối cảnh 2 nền kinh tế này “chuyên về đóng gói mạch tích hợp và lắp ráp điện tử”.

Đối với Philippines, lạm phát vừa phải và việc nới lỏng tiền tệ được dự kiến vào nửa cuối năm 2024 sẽ thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình và đầu tư. Nhu cầu nội địa vững chắc, cùng với phục hồi xuất khẩu hàng hóa đã thúc đẩy tăng trưởng quý đầu tiên của nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN.

Tương tự đối với Việt Nam, quốc gia có thành tích xuất sắc khác trong khu vực, có mức tăng trưởng được hỗ trợ nhờ sự phục hồi thương mại mạnh mẽ và phục hồi của nhu cầu trong nước. ADB kỳ vọng sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục.

Tỷ lệ lạm phát sẽ giảm

ADB dự báo tỷ lệ lạm phát ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ giảm xuống còn 2,9% trong năm nay, điều chỉnh dự báo giảm so với mức 3,2% trong dự báo trước đó, và thấp hơn mức 3,3% được ghi nhận hồi năm 2023. Xu hướng giảm này là do tác động trễ của việc thắt chặt tiền tệ được thực hiện trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, một số quốc gia trong khu vực đang bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích tiêu dùng. Các quốc gia như Philippines lấy tín hiệu từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho hành động chính sách tiền tệ tiếp theo của họ; và ADB lưu ý: “Lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác sẽ tiếp tục định hình triển vọng dự báo”.

Trong năm 2025, ADB dự báo tốc độ tăng giá trên khắp khu vực châu Á đang phát triển sẽ ổn định ở mức 3%.

Lê Thảo

(Lược dịch từ Nikkei Asia, The Business Times, Yonhap & ADB)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Singapore: Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III/2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến

Ước tính sơ bộ từ Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore vào sáng 14/10 cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,1% trong quý III/2024 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 3,8% được đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng này cũng nhanh hơn nhiều so với mức tăng 2,9% của quý II.

Singapore Sản xuất phục hồi, kinh tế quý III 2024 tăng trưởng cao hơn dự kiến
Return to top