Thế giới

Du lịch Châu Á cần “khác” khi phục hồi từ đại dịch

ClockThứ Bảy, 18/07/2020 11:29
TTH - Khi các hạn chế đi lại nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ, các quốc gia phụ thuộc lớn vào du lịch sẽ cạnh tranh để thu hút du khách, trong lúc tìm cách để xây dựng lại nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, việc tạm ngưng toàn cầu đối với ngành du lịch mang đến cho các quốc gia một cơ hội chưa từng có để xem xét cách xây dựng lại ngành này theo cách có lợi cho nền kinh tế, đồng thời bảo vệ hành tinh.

Lượng du khách đến châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm 32% trong năm 2020Hà Nội là điểm đến du lịch bụi giá rẻ nhất châu Á

Vịnh Maya ở Thái Lan buộc phải đóng cửa để phục hồi hệ sinh thái sau những tác động tiêu cực do tình trạng khách du lịch quá tải. Ảnh minh họa: CNN/TTXVN

Trước khi đại dịch khiến hầu hết các chuyến du lịch quốc tế phải dừng lại; mỗi năm, hàng triệu người đổ xô đến những bãi biển, những ngôi chùa cổ,... ở khu vực Đông Nam Á. Hồi năm ngoái, 133 triệu khách du lịch đã đến khu vực này.

Ở một số điểm du lịch, các đám đông du khách lớn đến mức khiến người dân địa phương, các nhà môi trường và thậm chí cả các Chính phủ phải lên tiếng rằng, tình trạng tắc nghẽn hoặc quá tải từ lượng khách du lịch quá mức đang đẩy các hệ sinh thái mỏng manh của khu vực đến bờ vực bị phá hoại.

Sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, các quốc gia thực hiện biện pháp phong tỏa, du lịch quốc tế sụt giảm đáng kể. Đối với những quốc gia như Campuchia, nơi du lịch đóng góp ước tính 30% GDP, tác động của đại dịch lên nền kinh tế ở mức nghiêm trọng. Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) ước tính, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổn thất 34,6 tỷ USD do đại dịch.

Có thể thấy, một ví dụ điển hình là Philippines, một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á, nơi đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Năm 2018, rất nhiều du khách đã đến đảo Boracay, và Tổng thống Philippines Roderigo Duterte sau đó đã ra lệnh đóng cửa trong 6 tháng để thực hiện chiến dịch dọn sạch hàng loạt ở khu vực này.

Sau khi ngừng hoạt động trong nhiều tháng, hòn đảo đã mở cửa trở lại vào tháng 10/2018 với giới hạn mới về số lượng du khách từ 19.000 người xuống còn 6.000 người, đồng thời cấm hút thuốc và đồ uống có cồn trên bãi biển. Các khách sạn hiện phải được công nhận và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.

Ông John Paolo R. Rivera, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch Dr. Andrew L. Tan nhận định, sự bùng nổ về du lịch đã khiến các nhà khai thác ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn tính bền vững. Khi số lượng du khách tăng lên, các công trình bất hợp pháp được xây dựng gần bãi biển, nhiều công trình có ống nước thải dẫn thẳng ra biển.

Bên cạnh đó, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của Thái Lan, vịnh Maya đã đóng cửa kể từ tháng 6/2018 để phục hồi khu vực biển, và chưa có khả năng mở cửa trở lại cho đến ít nhất là tháng 6/2021. Một hệ thống bán vé điện tử đang được phát triển để kiểm soát số lượng khách du lịch khi địa điểm này mở lại.

Giảm bớt đám đông

Việc bán vé và giới hạn lượng khách từ lâu đã là một cách để kiểm soát số lượng khách du lịch ở nhiều địa điểm trên thế giới. Nhưng mức độ cơ sở hạ tầng cần thiết vẫn chưa được thực hiện tại một số điểm đến đẹp nhất ở châu Á.

Ông Willem Niemeijer, người sáng lập Nhóm Du lịch Bền vững YAANA Ventures có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) cho biết, một cách xoay quanh điều này là sử dụng công nghệ để quản lý các con số. Đặt chỗ trên một ứng dụng hoặc trang web trước khi du lịch có thể giúp giới hạn số lượng đám đông tại một địa điểm.

Công nghệ đang giúp giảm lượng khách tại các địa điểm phổ biến ở châu Âu. Các phòng trưng bày và bảo tàng ở những thành phố lớn như Paris, Florence hay Barcelona đang áp dụng phương pháp kiểm soát đám đông nhằm hạn chế số lượng khách. Các phương pháp tương tự có thể được sử dụng cho những địa điểm du lịch tự nhiên trên khắp châu Á, nơi trước đây chưa bao giờ cần phải được bảo vệ khỏi những đám đông lớn.

Chuẩn bị cho sự phục hồi

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới, có những ẩn số lớn về việc khi nào du lịch quốc tế sẽ tăng trưởng trở lại, hoặc sẽ như thế nào khi điều đó xảy ra.

Bà Susanne Becken, Giám đốc Viện Du lịch Griffith tại Melbourne (Australia) nói rằng, bây giờ là lúc để các quốc gia suy nghĩ lại về việc họ muốn chào đón trở lại khách du lịch chỉ đến trong vài ngày và không tiêu nhiều tiền, hay phân tích chính xác những gì họ muốn từ du lịch.

Trong khi đó, ông John Paolo R. Rivera cho hay, đại dịch sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi trong các mô hình kinh doanh theo hướng du lịch bền vững. Ở Bali (Indonesia), các quan chức đã đề xuất mức thuế 10 USD đối với khách du lịch nước ngoài, và hy vọng mức thuế sẽ được áp dụng trong năm nay. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường và văn hóa.

Những nỗ lực này phải bao gồm quyền sở hữu và sự tham gia của cộng đồng để người dân địa phương có thể thấy giá trị lâu dài trong việc bảo vệ các địa điểm được quốc tế quan tâm, đồng thời có tiếng nói về cách mọi việc được quản lý và hưởng một phần lợi nhuận hợp lý.

Điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo, một triển vọng khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng cuối cùng sẽ đem lại kết quả. Việc cắt giảm số lượng khách chỉ nên xảy ra nếu được kết hợp với các chương trình bảo vệ sinh kế của người dân, bà Susanne Becken nói thêm.

Trước đó vào đầu tháng này, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã công bố một sáng kiến ​​mới kêu gọi phục hồi có trách nhiệm từ COVID-19 đối với ngành du lịch. “Sự bền vững phải là chuẩn mực mới cho mọi phần trong lĩnh vực du lịch. Nổi lên từ COVID-19 sẽ trở thành một bước ngoặt cho sự bền vững”, Tổng Thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili lưu ý.

LÊ THẢO (Lược dịch từ CNN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Return to top