Thế giới

Du lịch phục hồi mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau dịch Covid-19

ClockChủ Nhật, 28/08/2022 07:04
TTH - Ngành du lịch Việt Nam đã sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến vượt qua mức tiền đại dịch vào năm 2024.

ADB: Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tiếp tục phục hồi, Việt Nam là điểm sángAFMGM: Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, phát triển kinh tế

Sự trở lại của du lịch đóng góp phần lớn vào việc thúc đẩy tiến trình phục hồi toàn diện của Việt Nam. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+

Theo báo cáo du lịch mới nhất của Fitch Solutions về Việt Nam, lĩnh vực du lịch của Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt quá 10,8 tỷ USD thu được trong năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu du khách sẽ chọn Việt Nam làm điểm du lịch.

Giới chuyên gia nhận định, đây là triển vọng tốt cho một quốc gia phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách quốc tế và chi tiêu của dòng khách này. Tương tự như nhiều quốc gia khác trong khu vực và hơn thế nữa, biên giới của Việt Nam phần lớn đã bị đóng cửa trong năm 2020 và 2021. Từ tháng 3 vừa qua, các biên giới mới mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài và số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 62% về số lượng khách nước ngoài nhập cảnh hàng tháng.

Tuy nhiên, xét về lượng khách quốc tế cụ thể trong năm nay, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với những gì các quan chức chính phủ đã dự đoán. Cụ thể, tổng số khách du lịch nước ngoài ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2022 là 733.000 người, tức chỉ bằng khoảng 8% so với con số ghi nhận trước khi đại dịch xuất hiện. Đầu năm nay, các quan chức ngành du lịch đã hy vọng sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách đến Việt Nam trong cả năm, song dường như rất khó để đạt được mục tiêu đề ra.

Một số nhà quan sát cho rằng, quy trình xin cấp thị thực tương đối phức tạp của hồi đầu năm đã khiến một số du khách bỏ cuộc, cùng với đó là tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn còn căng thẳng, cộng thêm chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc cũng là một trong những lý do chính khiến tốc độ phục hồi chậm hơn. Trước đại dịch, Nga và Trung Quốc là những dòng khách quốc tế chủ lực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng là một yếu tố quan trọng trong sức mạnh kinh tế đang lên của Việt Nam vào thời điểm trước khi đại dịch xảy ra, đóng góp trực tiếp hơn 9% GDP vào năm 2019 – một năm cũng chứng kiến con số kỷ lục hơn 18 triệu lượt khách trong nước. Vào thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là đạt 20,5 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 36 tỷ USD vào năm 2020. Tất nhiên, những mục tiêu này đã không thể đạt được khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động toàn cầu ngưng trệ.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), du lịch trong nước đã khởi sắc nhiều hơn, với số lượng khách du lịch nội địa đã vượt mốc 70 triệu lượt, ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2022, vượt mục tiêu cả năm là 60 triệu lượt.

Trên thực tế, ngành du lịch càng có sức sống hơn là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp. Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT dự đoán, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 10% - 20% trong năm nay, với nhu cầu ăn uống tại nhà và nhu cầu nội địa tăng là động lực chính.

Được biết, hiện chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam đã mang lại cho du khách quốc tế nhiều thuận lợi khi nhập cảnh. Trong đó, du khách quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có thủ tục nhập cảnh thuận tiện, môi trường an toàn và có nhiều điểm đến tham quan.

Sau sự hoành hành của đại dịch COVID-19, Việt Nam đang dần bù đắp những gì đã mất bằng cách tăng cường các dịch vụ của mình. Dữ liệu từ Google Destination Insights đã đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu lưu trú tăng trong năm nay. Ước tính khoảng 100 dự án khách sạn đang được xây dựng tại Việt Nam. Các nhà quan sát nhận định, đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Thêm vào đó, trong những tháng gần đây, các hãng hàng không địa phương đã công bố các động thái bổ sung đường bay, cũng như thực hiện nâng cấp máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại tăng của hành khách. Đơn cử, hãng hàng không giá rẻ Bamboo Airways đang trang bị đội bay của mình với động cơ phản lực GE lực đẩy cao, trị giá lên đến 2 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng sân bay của Việt Nam vẫn là mối quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhìn chung, công suất của các sân bay đang dần được cải thiện. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nằm trong số nhiều hãng hàng không hiện đã và đang tăng cường kết nối với Singapore, với các chuyến bay thẳng từ sân bay Changi đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

HẠNH NHI (Lược dịch The Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước thềm cuộc đối thoại thường niên giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) với các nhà lãnh đạo APEC sẽ diễn ra ở Peru vào cuối tuần này, giới lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện giữa những thách thức xuyên biên giới hiện nay.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Return to top