|
Ngập lụt ở Dubai khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Sân bay quốc tế Dubai đang phải vật lộn để giải quyết việc nhiều chuyến bay bị hủy, gây dồn ứ hành khách. Có thể nói đây là trận mưa lớn nhất mà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) phải trải qua trong 75 năm qua. Sự việc khiến phần lớn đất nước rơi vào bế tắc và thiệt hại đáng kể.
Theo đó, lũ lụt khiến người dân mắc kẹt trong nhà, văn phòng, thậm chí là trong xe. Nhiều người cho biết nhà họ đã bị rỉ nước, nhiều đoạn phim quay lại cảnh các trung tâm thương mại bị ngập do nước rỉ từ trên mái xuống. Tại Dubai, giao thông vẫn bị gián đoạn ngay cả khi các dịch vụ giao thông công cộng hoạt động trở lại.
Việc chặn nhiều tuyến đường, đi đường vòng và ngập lụt đã gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng ở Dubai. Đường cao tốc qua Dubai bị giảm xuống còn 1 làn đường một chiều, trong khi con đường chính nối Dubai với thủ đô Abu Dhabi bị chặn một phần ở cả hai hướng.
Nhiều phương tiện, bao gồm cả xe buýt bị bỏ lại trên đường phố, một số bị chìm trong nước. Tại Abu Dhabi, một số siêu thị và nhà hàng phải đối mặt với tình trạng khan hàng, không thể nhận hàng từ Dubai. Sân bay Dubai vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường sau khi cơn bão làm ngập các đường băng, buộc các chuyến bay phải chuyển hướng, hoãn hoặc hủy.
Giám đốc điều hành sân bay quốc tế Dubai Majed Al Joker chia sẻ với phóng viên báo Al Arabiya TV rằng, sân bay gặp khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho những người bị mắc kẹt khi những con đường gần đó bị ngập lụt và tình trạng quá đông đúc đã hạn chế khả năng tiếp cận của những khách hàng đã mua vé.
Cơn bão tấn công nước láng giềng Oman vào ngày 14/4 đã tấn công UAE vào ngày 16/4, với 20 người được cho là đã thiệt mạng tại Oman và 1 người thiệt mạng ghi nhận tại UAE.
Sau bão và lũ lụt, người dân Dubai đã bắt đầu ra đường trở lại. Có thể nói, mưa rất hiếm ở UAE và những nơi khác trên Bán đảo Ả Rập, nơi thường được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn. Nhiệt độ không khí mùa hè tại đây có thể lên đến 50oC.
Sau sự việc ở UAE, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu tạo mưa nhân tạo trên mây, một quá trình mà UAE thường xuyên tiến hành có thể gây ra mưa lớn hay không. Nhưng các chuyên gia toàn cầu cho rằng, sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy.
Các nhà nghiên cứu nhận định và đưa ra dự đoán, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng cao, độ ẩm cũng tăng và nguy cơ xảy ra lũ lụt cao hơn ở các khu vực vùng Vịnh. Các quốc gia như UAE, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thoát nước để đối phó với mưa lớn có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan cho biết, ông đã ra lệnh cho chính quyền đánh giá thiệt hại và nhanh chóng cung cấp hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Thái tử Dubai Sheikh Hamdan bin Mohammed nhấn mạnh, sự an toàn của người dân và du khách luôn là ưu tiên hàng đầu.
“Tại cuộc họp với các quan chức chính phủ ở Dubai, chúng tôi đưa ra chỉ thị để chuẩn bị các kế hoạch toàn diện nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng tự nhiên như điều kiện thời tiết bất thường, xảy ra bất ngờ như hiện nay”, Thái tử Sheikh Hamdan bin Mohammed nói thêm.