Người di cư cố gắng lên bờ sau khi chiếc thuyền của họ gặp nạn ngoài đảo Lesbos của Hy Lạp ngày 28/10/2015. Ảnh: AP
Trong chuyến thăm tới Athens, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, Berlin sẵn sàng sát cánh cùng Hy Lạp như đã từng đứng ở tuyến đầu trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II hiện nay.
"Vào thời điểm khi Hy Lạp đang cố gắng khôi phục nền kinh tế, làn sóng này chính là một gánh nặng bất thường", Ngoại trưởng Steinmeier nói với tờ nhật báo Ta Nea của Hy Lạp, và cam kết "chúng tôi sẽ hỗ trợ Hy Lạp đối mặt với thách thức to lớn này".
Theo Ngoại trưởng Steinmeier, châu Âu cần phải "chứng tỏ bản lĩnh hơn nữa để có thể phát triển mạnh mẽ hơn", đồng thời ông cũng nhấn mạnh, "chúng ta phải cùng nhau hành động để kiểm soát tình hình, để bảo vệ biên giới bên ngoài châu Âu, để phát triển một cách tiếp cận chung cho những người tị nạn, nhập cư và để chia sẻ công bằng gánh nặng người tị nạn".
Số liệu từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, hơn 700.000 người đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải từ đầu năm 2015 đến nay, trong đó nhiều người hy vọng có thể đến Đức - cường quốc kinh tế của châu lục này.
Hầu hết những người vượt biển đến Hy Lạp đều phải đánh cược với mạng sống của mình trên những hải trình đầy nguy hiểm trong tình trạng tàu thuyền ọp ẹp và quá tải.
Một số người di cư đã bị chìm ở ngoài khơi các đảo của Hy Lạp hôm 28/10, số nạn nhân thiệt mạng lên đến 17 người, trong đó có 11 trẻ em. Khoảng 40 người vẫn đang còn mất tích.
Trong một diễn biến khác, có ít nhất 10 người chết đuối khi một chiếc tàu chở gần 150 người nhập cư bị chìm ở ngoài khơi đảo Kalymnos của Hy Lạp vào đêm qua.
Cũng trong ngày hôm qua, thi thể 2 đứa trẻ và 2 người lớn được tìm thấy, 1 ngày sau khi một chiếc tàu chở khoảng 300 người nhập cư bị lật ở Lesbos. Lực lượng cứu hộ đã cứu khoảng 240 người.
Ở nơi khác, lực lượng bảo vệ bờ biển của Tây Ban Nha cho biết họ đã giải cứu 15 người di cư từ một chiếc tàu chìm ngoài khơi bờ biển của Morocco, nhưng 39 người khác trên tàu vẫn đang bị mất tích.
Cuộc khủng hoảng di cư đã gây ra những rạn nứt giữa các thành viên EU về cách thức đối phó với những người di cư mới đến.
Hungary gần đây đã đóng cửa biên giới phía nam bằng dây thép gai để ngăn chặn dòng chảy những người di cư tràn qua biên giới nước này, trong khi Áo cũng lên kế hoạch xây dựng một hàng rào biên giới với Slovenia để đối phó với dòng người di cư.
Tại Pháp, đụng độ xảy ra khi những người di cư ném đá vào lực lượng cảnh sát trong lúc cảnh sát cố gắng kiểm tra an ninh tại một khu trại gần cổng phía bắc của Calais.