|
Nông dân thu hoạch lúa mì trên một cánh đồng tại tiểu bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay đang ảnh hưởng đến khả năng sản xuất đủ lương thực của thế giới. Nhiều tác động của cuộc khủng hoảng này đến nước, đất, đa dạng sinh học, cũng như tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng.
Cũng theo báo cáo nói trên, những tác động này làm giảm năng suất cây trồng, năng suất chăn nuôi, và tiềm năng của nghề cá và nuôi trồng thủy sản với tư cách là các nhà sản xuất lương thực.
Trong bối cảnh của những phát hiện này, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nhấn mạnh, các quốc gia phải đảm bảo quỹ tổn thất và thiệt hại sẽ đến tay các cộng đồng nông nghiệp đang đối phó ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Được biết, đây là quỹ được khởi động ngay trong ngày họp đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Cần thêm sự hỗ trợ
Báo cáo của FAO cho hay, điều quan trọng là phải giải quyết những tổn thất và thiệt hại trong hệ thống nông sản thực phẩm, bởi tầm quan trọng của hệ thống này đối với sinh kế và sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng của các dòng tài chính khí hậu toàn cầu, sự hỗ trợ cho các hệ thống nông sản thực phẩm vẫn tụt hậu so với những lĩnh vực khác, chiếm chưa đến 20% nguồn tài chính phát triển liên quan đến khí hậu được ghi nhận trong năm 2021.
Qua đó, Tổng Giám đốc FAO cho rằng, những giải pháp giúp các quốc gia xây dựng khả năng phục hồi, thích ứng, giảm thiểu và đạt được an ninh lương thực vốn đã tồn tại. “Tuy nhiên, chúng ta cần các chính sách tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách đầu tư, nhằm đảm bảo tài chính khí hậu được tăng lên và đến tay những người cần nhất, đặc biệt là các nông dân sản xuất nhỏ”, ông Qu Dongyu nói thêm.
“Chúng ta phải sản xuất nhiều hơn với ít nguồn lực hơn. Các hệ thống nông sản thực phẩm cần được chuyển đổi để trở nên hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững hơn, nhằm đóng góp hiệu quả vào sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của thực phẩm, cũng như đạt được tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc”, ông Qu Dongyu nhấn mạnh.
Tuyên bố mới
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FAO cũng bày tỏ sự ủng hộ của FAO đối với Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu, đã được chính thức đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới. Sự kiện này được tổ chức từ ngày 1 - 2/12, trong khuôn khổ COP28.
Cụ thể, Tuyên bố Emirates nhấn mạnh vai trò chính của các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
“Lộ trình mới của FAO để đạt mục tiêu 1,5 độ C và Tuyên bố Emirates sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động về khí hậu, đồng thời đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Qu Dongyu cho biết.
Theo đó, lộ trình này dự kiến sẽ được trình bày tại COP28, nêu rõ những đóng góp mà các quốc gia có thể thực hiện để xây dựng khả năng phục hồi khí hậu, hạn chế phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh lương thực.