|
Tình trạng khô hạn trên một cánh đồng ngô ở Philippines. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
El Nino ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực khi mang lại lượng mưa quá nhiều hoặc quá ít tùy thuộc vào khu vực, đồng thời làm gián đoạn nhiệt độ.
Qua đó, FAO kêu gọi tài trợ khẩn cấp 160 triệu USD nhằm hỗ trợ hơn 4,8 triệu người trong số những người dễ bị tổn thương nhất. Theo kế hoạch đến tháng 3/2024, các ưu tiên hành động ở 34 quốc gia trên khắp Đông và Nam Phi, châu Á và Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và Caribe, được xác định dựa trên việc đánh giá tác động lịch sử của El Nino và những yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như dự báo khí hậu theo mùa mới nhất, tính thời vụ của nông nghiệp và các lỗ hổng hiện tại.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cảnh báo, thế giới đang bước vào chu kỳ El Nino hiện tại với số lượng kỷ lục 258 triệu người đối mặt với nạn đói trầm trọng, và chỉ có 1/5 tổng số tiền cần thiết để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động của El Nino trong những tuần và những tháng tới.
Theo FAO, nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và các nhà sản xuất quy mô nhỏ khác phải chịu gánh nặng từ những cú sốc khí hậu. Do đó, hành động phòng ngừa hiệu quả cần phải tập trung vào việc ngăn ngừa thiệt hại và mất mát đối với cây trồng, vật nuôi, đất sản xuất, nước và cơ sở hạ tầng để bảo vệ nguồn lương thực. Điều này không chỉ bảo vệ nguồn cung thực phẩm địa phương, mà còn giảm thiểu tác động rộng hơn đến các cộng đồng, nền kinh tế địa phương và các yêu cầu viện trợ nhân đạo.
“Mỗi USD được đầu tư vào hành động phòng ngừa có thể mang lại lợi nhuận hơn 7 USD cho các gia đình nông dân, với mức thiệt hại tránh được và lợi ích gia tăng”, cơ quan này lưu ý.
Ngay nửa đầu năm 2023, FAO đã bắt đầu thực hiện các hành động phòng ngừa. Chẳng hạn như, tại Somalia, việc khôi phục các điểm đê bị vỡ dọc theo con sông Shabelle sẽ bảo vệ gần 40.000 ha đất trồng trọt khỏi lũ lụt.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ UN News & FAO)