Thế giới

G20 cam kết tài trợ việc phân phối công bằng vắc-xin COVID-19

ClockChủ Nhật, 22/11/2020 15:08
TTH.VN - Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cam kết sẽ đảm bảo việc phân phối công bằng vắc-xin, thuốc và xét nghiệm COVID-19 trên khắp thế giới, đồng thời sẽ làm những gì cần thiết để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn đang phải vật lộn để phục hồi từ đại dịch.

Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc hôm nayG20 cam kết tránh các rào cản thương mại “không cần thiết”

Vắc-xin ngừa COVID-19 được phát triển trong một phòng thí nghiệm ở Đức. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

"Chúng tôi sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo sự tiếp cận công bằng và có giá cả phải chăng dành cho tất cả mọi người, phù hợp với cam kết của các thành viên trong việc khuyến khích đổi mới. Chúng tôi thừa nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích công cộng toàn cầu", Hãng Thông tấn Reuters ngày 22/11 trích dẫn một bản dự thảo thông cáo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho hay.

Đứng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20, đang diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 21-22/11 là COVID-19, đại dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu sắc trong năm nay, và những nỗ lực cần thiết để củng cố sự phục hồi kinh tế trong năm 2021.

"Chúng ta phải làm việc để tạo điều kiện cho tất cả người dân được tiếp cận công bằng và có giá cả phải chăng đối với những công cụ này", Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz nói trong bài phát biểu khai mạc.

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo G20 lo ngại, đại dịch có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trên toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Chúng ta bằng mọi giá phải tránh viễn cảnh về một thế giới hai tốc độ, nơi chỉ những người giàu hơn mới có thể tự bảo vệ mình khỏi virus và khởi động lại cuộc sống bình thường". Để làm được điều đó, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nhanh chóng đầu tư nhiều tiền hơn vào một dự án toàn cầu về vắc-xin, xét nghiệm và điều trị, được gọi là Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT Accelerator), và cơ sở COVAX để phân phối vắc-xin.

Trong một động thái liên quan, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết: "Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, tôi đã kêu gọi 4,5 tỷ USD đầu tư vào ACT Accelerator trước cuối năm 2020, để mua sắm và cung cấp các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc-xin ngừa COVID-19 ở khắp mọi nơi. Chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết toàn cầu".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Đức sẽ đóng góp hơn 500 triệu euro cho nỗ lực này; đồng thời thúc giục các quốc gia khác thực hiện vai trò của mình. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp vắc-xin Sputnik V của Nga cho các quốc gia khác, và cho biết Moscow đang chuẩn bị vắc-xin thứ 2 và thứ 3.

Chuẩn bị cho tương lai

Để chuẩn bị cho những đợt bùng phát trong tương lai, EU đang đề xuất một hiệp ước về các đại dịch. "Một hiệp ước quốc tế sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn và có sự phối hợp hơn", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), ông Charles Michel nói với các nhà lãnh đạo G20.

Trong một báo cáo gửi đến hội nghị thượng đỉnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng, động lực phục hồi đang chậm lại ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trở lại, và đại dịch COVID-19 có khả năng để lại những vết sẹo sâu.

Hồi tuần trước, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Antonio Guterres cho biết, các quốc gia nghèo và mắc nợ cao là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương, họ vốn đang "trên bờ vực của sự suy thoái tài chính và nghèo đói gia tăng, đau khổ không kể xiết".

Để giải quyết vấn đề này, G20 sẽ thông qua một kế hoạch để gia hạn việc đóng băng các khoản thanh toán dịch vụ nợ của những quốc gia nghèo nhất đến giữa năm 2021, đồng thời sẽ nhất trí với một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết các vấn đề nợ, theo bản dự thảo thông cáo nói trên.

Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông David Malpass cảnh báo G20 rằng, thất bại trong việc cung cấp các khoản giảm nợ vĩnh viễn cho một số quốc gia hiện nay có thể dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng và lặp lại các vụ vỡ nợ gây hỗn loạn của những năm 1980.

Được biết, sáng kiến ​​giảm nợ của G20 đã giúp 46 quốc gia trì hoãn các khoản thanh toán dịch vụ nợ trị giá 5,7 tỷ USD. Sự tham gia của khu vực tư nhân được coi là rất quan trọng để đảm bảo việc sử dụng rộng rãi hơn đối với sáng kiến ​​này.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & The Edge Markets)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35% trong năm 2023

Đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân ở khu vực Đông Nam Á đã giảm 34,5% xuống còn 5,5 tỷ USD hồi năm ngoái bất chấp số lượng giao dịch tăng lên, trong bối cảnh các nhà đầu tư mạo hiểm chuyển hướng nguồn vốn sang những công ty trẻ hơn.

Nguồn tài trợ công nghệ của ASEAN giảm 35 trong năm 2023
Return to top