Công nhân làm việc trong một công ty sản xuất máy điều hoà không khí. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Nhiệt độ tại Pháp đã đạt tới 45,9 độ C và Australia đạt 49,5 độ C vào năm 2019. Trong năm nay, Siberia đối mặt với một thời kỳ nhiệt độ cao bất thường trong 6 tháng đầu năm, với mức nhiệt phá kỷ lục 38 độ C tại thị trấn Verkhoyansk đo được hồi tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, hầu hết các khu vực ở Hoa Kỳ được dự báo sẽ đối mặt với một vòm nhiệt khổng lồ, với nhiệt độ cao hơn 32 độ C.
Dựa trên các mô phỏng được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore, quốc gia này có thể phải đối mặt với nhiệt độ tăng vọt lên 40 độ C vào năm 2045. Tại Malaysia, Cục Khí tượng Malaysia đã cảnh báo nhiệt độ cao hơn từ tháng 2 năm nay lên đến giữa tháng 4, và các tiểu bang phía Bắc sẽ nóng hơn. “Nhiệt độ tại những khu vực này đôi khi có thể lên tới 37,5 độ C”, Cục Khí tượng Malaysia cho biết trong một tuyên bố.
Nhiệt độ bên ngoài tăng cao đang thúc đẩy sự mở rộng về nhu cầu đối với máy điều hòa không khí. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 2/3 số hộ gia đình trên thế giới có thể sở hữu máy điều hòa không khí vào năm 2050. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ chiếm một nửa tổng số máy điều hòa không khí trong năm 2050.
Đáng chú ý, theo một nghiên cứu của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore hồi năm 2017, Singapore có tỷ lệ lắp đặt điều hòa không khí trên đầu người cao nhất. Trong đó, 24% mức tiêu thụ điện trong một ngôi nhà thông thường dành cho máy điều hòa không khí.
Bẫy nhiệt
Liên minh Khí hậu và Không khí Sạch (CCAC), một quan hệ đối tác tự nguyện do các Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự dẫn đầu tuyên bố, hydrofluorocarbons (HFC), loại khí nhà kính tổng hợp (GHG) được sử dụng trong máy điều hoà không khí, đang gia tăng với tốc độ 8% mỗi năm do việc sử dụng loại máy này ngày càng tăng.
Mặc dù HFC có thể chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng phát thải GHG, chúng giữ nhiệt gấp hàng nghìn lần nhiệt lượng trong khí quyển so với khí carbon dioxide (CO2). Cùng với IEA, các nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley và Học viện Rocky Mountain (RMI) của Hoa Kỳ kết luận rằng, chỉ riêng máy điều hoà không khí dùng trong phòng sẽ chiếm hơn 130 gigatons (GT) lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2050.
HFC có thể xâm nhập vào khí quyển trong quá trình sản xuất, trong khi thiết bị điều hòa không khí bị rò rỉ... Xử lý đúng cách máy điều hòa không khí cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trừ khi HFC được quy định, mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, điều này có thể đóng góp đáng kể vào lượng bức xạ trong khí quyển vào năm 2050. Các nhà môi trường, quan chức Chính phủ và các nhà khoa học nhận định, một thỏa thuận nhằm hạn chế HFC là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn những tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu.
Nhu cầu tăng vọt
Việc sử dụng máy điều hoà không khí sẽ tăng vọt, thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện toàn cầu vào năm 2050. Hiện tại, máy điều hoà không khí chiếm 10% nhu cầu điện toàn cầu. Theo IEA, việc sử dụng điện toàn cầu sẽ tăng song song cùng với việc sử dụng máy điều hoà không khí ngày càng tăng, trở thành thiết bị sử dụng điện lớn nhất trong các tòa nhà, chiếm 16% nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2050.
Máy điều hòa không khí luôn được coi là một mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, với sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, cũng như sự mở rộng của tầng lớp trung lưu giàu có, ngày càng có nhiều người mua các thiết bị điều hòa không khí. “Nhu cầu ngày càng tăng đối với máy điều hòa không khí là một trong những điểm mù quan trọng nhất trong các cuộc tranh luận về năng lượng ngày nay. Thiết lập các tiêu chuẩn hiệu quả cao hơn đối với việc làm mát là một trong những bước đơn giản nhất mà các Chính phủ có thể thực hiện để giảm nhu cầu đối với các nhà máy điện mới, cắt giảm khí thải và giảm chi phí trong cùng một lúc”, ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA cho hay.
Khu vực Đông Nam Á hiện sử dụng khoảng 60% điện năng chỉ dành riêng cho các máy điều hoà không khí. Tính khả dụng rộng rãi của máy điều hoà không khí cho phép sự phát triển nhiều hơn, dẫn đến việc sử dụng máy điều hoà không khí cao hơn trong khu vực. Với nhu cầu ngày càng tăng, hiệu quả của các máy điều hòa không khí là chìa khóa để Đông Nam Á kiểm soát những tác động tiêu cực của loại thiết bị này đối với môi trường.
Tuy nhiên, nhận thức cộng đồng trong khu vực về tác động môi trường của điều hoà không khí vẫn còn thấp. Chính sách và quy định của Chính phủ sẽ giúp tăng cường hiểu biết và nhận thức về tác động tiêu cực của máy điều hoà không khí. Hướng dẫn người tiêu dùng bằng những hướng dẫn sử dụng dễ đọc hiểu về việc sử dụng hiệu quả cũng có thể giúp làm giảm lãng phí điện năng và giảm lượng khí thải carbon.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)