Năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng điện trong ASEAN. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhu cầu điện trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tốc độ tăng trưởng trung bình là 6% hàng năm. Đây là một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới, trong khi năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng 15% nhu cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường năng lượng ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Nhu cầu tổng thể tăng 80% kể từ năm 2000. Điều này tạo nên áp lực đối với các hệ thống năng lượng, và khi phần lớn nhu cầu được đáp ứng bằng việc tăng gấp đôi lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lượng khí thải CO2 cũng tăng lên.
Dựa trên các thiết lập chính sách hiện nay, tổng nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 60% từ nay đến năm 2040.
Nhiệt độ cao hơn dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng máy điều hòa không khí, và nhu cầu cao điểm đối với các hệ thống làm mát tạo ra những căng thẳng đáng kể lên hệ thống điện trong khu vực. Năng lượng cần thiết để làm mát sẽ tăng vọt lên gần 30% nhu cầu điện cao điểm vào năm 2040; tương đương 200 GW công suất. Tổng số máy điều hòa không khí trong năm 2040 có thể tăng từ 40 triệu chiếc trong năm 2017 lên 300 triệu chiếc vào năm 2040, một nửa trong số đó sẽ ở Indonesia, IEA ước tính.
"Khu vực Đông Nam Á sẽ có tác động lớn trong 2 thập kỷ tới, bổ sung thêm mức năng lượng tương đương toàn bộ hệ thống năng lượng của Nhật Bản vào nhu cầu toàn cầu. Sự gia tăng nhanh chóng này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách năng lượng của các quốc gia Đông Nam Á đối với công dân của họ, và đối với thế giới", Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol nhận định.
Theo chính sách hiện tại của ASEAN, năng lượng tái tạo được dự báo sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng điện trong ASEAN.
Các kế hoạch kết nối xuyên biên giới trong khu vực chắc chắn sẽ hỗ trợ bổ sung một phần năng lượng tái tạo lớn hơn vào hệ thống năng lượng của khu vực. Chẳng hạn như, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã hợp tác đầu tư và nguồn lực vào năng lượng tái tạo, và nỗ lực đó đã cho thấy kết quả to lớn; trong năm 2019, điện từ các nhà máy than giảm 3%.
Để duy trì sự bền vững trong ngành năng lượng của ASEAN, IEA khuyến nghị khu vực này nên đặt mục tiêu tăng gấp 3 tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng lên 70% vào năm 2040. Các biện pháp khác như giảm dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và thực hiện những công nghệ mới như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả năng lượng, nhất là ở các lĩnh vực phát triển nhanh như hệ thống làm mát và vận tải đường bộ.
Điều này kết hợp cùng với việc mở rộng các sản phẩm đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu có thể làm giảm căng thẳng cho hệ thống điện trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không có cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn từ các quốc gia thành viên ASEAN, mỗi quốc gia có thể bỏ lỡ cơ hội để đáp ứng chung nhu cầu điện ngày càng tăng một cách bền vững.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post)