Khoảng 26 tỷ USD đầu tư đã được rút khỏi các thị trường châu Á đang phát triển. Ảnh minh hoạ: Bizlive
Tại châu Âu, hơn 30 triệu người ở Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy đã nộp đơn xin trợ cấp của nhà nước. Dữ liệu quý I/2020 cũng chỉ ra rằng nền kinh tế eurozone đã thu hẹp 3,8%, mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ năm 1995.
Tại Mỹ, dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP đã giảm 4,8% trong quý I/2020, mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ quý IV/2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo CRS, đại dịch COVID-19 đang là thách thức lớn khi buộc các chính phủ phải thực hiện các chính sách tiền tệ và tài chính hỗ trợ thị trường tín dụng và duy trì hoạt động kinh tế, trong khi đang tiến hành các chính sách để phát triển vaccine và bảo vệ người dân.
Báo cáo của CRS cũng chỉ ra rằng, trong khi hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn đang suy giảm do COVID-19, chỉ có ba quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhưng tích cực trong năm 2020.
IMF trong báo cáo gần đây nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có thể yếu hơn dự kiến do sự không chắc chắn kéo dài về thời gian dịch bệnh có thể diễn ra, việc đóng cửa vĩnh viễn các doanh nghiệp và sự thay đổi hành vi của các công ty và hộ gia đình.
Theo đó, những lo ngại của công chúng về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến việc cách ly, giảm nhu cầu đi lại đối với các hãng hàng không và tàu du lịch, cũng như nhiều hoạt động khác phải ngưng trệ. Nhiều quốc gia cũng đang giới hạn quy mô của các cuộc tụ họp công cộng. Ước tính, sự sụt giảm trong kinh doanh và du lịch đang làm giảm mạnh tần suất các chuyến bay theo lịch trình tới 10%, và các hãng hàng không có thể tổn thất đến 113 tỷ USD trong năm nay. Các sân bay ở châu Âu dự đoán có thể mất 4,3 tỷ USD doanh thu do có ít chuyến bay hơn.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, với điều kiện hiện tại, nhiều hãng hàng không sẽ bị phá sản vào tháng 5 này, nếu các hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia không được nới lỏng.
Ngoài ra, sự sụt giảm khách du lịch Trung Quốc cũng là một đòn đánh kinh tế khác giáng vào các nước ở châu Á và những nơi khác vốn được hưởng lợi từ thị trường đang phát triển cho khách du lịch Trung Quốc và những cơ hội mà ngành du lịch mang lại.
Mặt khác, sự suy giảm trong hoạt động công nghiệp đã làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khiến giá dầu giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất năng lượng.
Hơn nữa, sự gián đoạn trong hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc được cho là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong việc xuất xưởng các sản phẩm máy tính, điện thoại di động, đồ chơi và thiết bị y tế.
Trong những tháng đầu năm 2020, sản lượng nhà máy ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho thấy sự sụt giảm. Song song đó, xuất khẩu nông sản của Trung Quốc giảm đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất ô tô cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các bộ phận trong chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc, CRS cho biết.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Devdiscourse)