Thế giới

Giới nhà giàu các nước Mỹ Latin đổ xô tới Mỹ để được tiêm vaccine Covid-19

ClockThứ Tư, 21/04/2021 15:51
Giới nhà giàu tại các nước Mỹ Latin đang đổ xô tới Mỹ để được tiêm vaccine Covi-19 do tình trạng thiếu hụt vaccine trong nước. Những người này bao gồm các chính trị gia, ngôi sao truyền hình và chủ doanh nghiệp.

WHO nhận định thế giới có thể kiểm soát đại dịch trong những tháng tớiNghiên cứu mới khẳng định hiệu quả của vaccine COVID-19 AstraZenecaMỹ tuyên bố sẽ thúc đẩy các chiến dịch tiêm vaccine trên toàn cầu

Sau khi di chuyển hàng nghìn cây số bằng đường hàng không từ các nước châu Mỹ Latin, những người này đã từ sân bay trực tiếp tới một số địa điểm ở Mỹ để được tiêm vaccine Covid-19. Đa số những người này là các chính trị gia, ngôi sao truyền hình và chủ doanh nghiệp và họ phải tới Mỹ do thiếu hụt vaccine trong nước.

Giới nhà giàu các nước Mỹ Latin đổ xô tới Mỹ để được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters

Virginia Gónzale đã cùng chồng bay từ Mexico tới Texas và đi xe buýt tới một điểm tiêm vaccine. Họ đã phải tới đây hai lần vì phải tiêm hai mũi vaccine. Cặp đôi này thực hiện lời khuyên của bác sỹ đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt cho người chồng. Virginia Gónzale cho biết “việc được tiêm vaccine Covid-19 ở Mỹ là vấn đề sống còn vì Mexico không có đủ vaccine cho người dân.”

Với dân số khoảng 130 triệu người, Mexico đã thu mua được vaccine Covid-19 nhiều hơn bất kỳ một quốc gia châu Mỹ La tinh nào khác, khoảng 18 triệu liều tính tới ngày 18/4 với nguồn cung từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ. Hầu hết số vaccine này được ưu tiên cho các nhân viên y tế, người già từ 60 tuổi trở lên và giáo viên. Tình hình này cũng diễn ra tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn ở các nước châu Mỹ Latin khác, trừ Chile.  

Do vậy, những người có điều kiện kinh tế và không muốn phải đợi lâu để được tiêm đã tìm tới Mỹ. Những người này đầu tiên phải xin được thị thực du lịch và có khả năng chi trả tiền xét nghiệm Covid-19, vé máy bay, khách sạn, thuê xe và các chi phí khác.

Dịch vụ cho thuê máy bay tới Texas, Mỹ, đang nở rộ ở Mexico

Virginia Gónzale và chồng đã được tiêm ở Edinburg thuộc bang Texas, thành phố cách nơi ở của họ hơn 250km. Tuy nhiên, các điểm kiểm soát đường bộ đã bị đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu, do đó họ đã phải bay bằng máy bay thương mại sang Houston và sau đó di chuyển bằng xe buýt tới điểm tiêm phòng.

Hồi đầu tháng 4, 19 cầu thủ của đội bóng chuyên nghiệp Monterrey của Mexico cũng đã bay sang Dallas thuộc bang Texas để được tiêm phòng Covid-19.

Nhiều ngôi sao truyền hình đã đăng lên mạng xã hội về các chuyến đi của mình sang Mỹ. Juan José Origel, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mexico đã đăng lên Twitter ảnh mình được tiêm phòng ở Miami thuộc bang Florida hồi tháng 1/2021. Trong khi đó, ngôi sao truyền hình Argentina Yanina Latorre cũng tới Miami để giúp mẹ được tiêm phòng đồng thời cũng đăng lên Instagram về chuyến đi này. Ngay sau đó, giới chức Florida đã bắt đầu yêu cầu chứng minh nơi cư trú đối với những người muốn tiêm phòng Covid-19.

Tuy nhiên, một nửa số bang ở Mỹ bao gồm Texas, Arizona và California không có quy định này và sẽ chấp nhận mọi loại giấy tờ xác định cá nhân chính thức có ảnh kèm theo.  

Nhiều trong số những người tới Mỹ để tiêm phòng có bạn bè hoặc người thân tại Mỹ và những người này có thể giúp họ khi đăng ký lịch hẹn hoặc tìm các nơi có số vaccine dư thừa khi người đăng ký không xuất hiện. Một số khác có nhà ở Mỹ trong khi cũng có người mượn địa chỉ ở Mỹ để được đăng ký tiêm. Nhiều người trong số này cho biết họ đọc thông tin thấy có nhiều người Mỹ không có ý định tiêm phòng Covid-19.

Alejandra, một nha sỹ ở thành phố Monterrey của Mexico, cho biết cô quyết định tiêm ở Mỹ ngay sau khi mẹ của cô qua đời do Covid-19 hồi tháng 2. Alejandra đã đăng ký qua mạng ở một hiệu thuốc CVS ở Texas bằng cách sử dụng địa chỉ của một người bạn ở đó. Cuối tuần qua, Alejandra đã bay sang Houston và ngày 19/4 vừa qua đã được tiêm mũi Moderna thứ hai ở Pasadena cũng thuộc bang Texas.

Alejandra cho biết cô cảm thấy yên tâm sau khi được tiêm mặc dù vẫn lo ngại sẽ có thể bị mất visa vào Mỹ nếu bị phát hiện tới đây chỉ để tiêm phòng Covid-19. Alejandra biết rằng nhiều người chỉ trích người nước ngoài như cô đang tận dụng tiền thuế của người dân Mỹ để được tiêm phòng, nhưng Alejadra cho rằng cô đang tìm cách bảo vệ bản thân và gia đình mình. Theo Alejandra, ngay cả các hiệu thuốc cũng nói rằng việc không có giấy tờ không quan trọng và cô cho rằng họ nói điều này vì muốn tốt cho mọi người.   

Chris Van Deusen, một phát ngôn viên của Sở Y tế bang Texas, cho biết vaccine ở đây dành cho những người đang sinh sống, làm việc hoặc dành phần lớn thời gian ở Texas và hơn 99% số người đã được tiêm phòng là cư dân của bang.

Các nước giàu trên thế giới bao gồm Mỹ đã thu mua một lượng lớn vaccine Covid-19 và các nước này đã bị chỉ trích khi không hỗ trợ các nước nghèo hơn tiếp cận vaccine.

Sự không công bằng trong phân bổ vaccine Covid-19 đã khiến gia tăng du lịch vaccine, theo Ernesto Ortiz, quản lý cấp cao các chương trình thuộc Trung tâm sáng tạo y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke ở bang Bắc Carolina, cơ quan theo dõi việc phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu. Ví dụ, ở Peru, chỉ có 2% trên tổng số 32 triệu dân được tiêm phòng Covid-19 cho tới thời điểm hiện tại.   

Geovanny Vazquez và một người bạn ở Guatemala cho biết họ dự định sẽ bay bằng máy bay thương mại tới Mỹ đầu tháng tới và sẽ tới Dallas, Texas, nơi họ có một người có thể giúp họ được tiêm phòng Covid-19. Những người này dự định sẽ ở Mỹ 20 ngày để tìm cách được tiêm và nếu không thể tiêm ở Texas, họ sẽ sang các bang khác như Louisiana hoặc Arizona./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top