|
Tính đến ngày 23/12, số người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên là 10,24 triệu người, chiếm 20% trong tổng dân số. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đến cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á chỉ ghi nhận 0,7 ca sinh trên một phụ nữ - là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế cần thiết là 2,1 để duy trì dân số ổn định ở mức hiện tại. Điều này có nghĩa là dân số Hàn Quốc đang già đi và thu hẹp nhanh chóng.
Tính đến ngày 23/12, số người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên là 10,24 triệu người, chiếm 20% trong tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 24/12, đưa Hàn Quốc xếp ngang hàng với Nhật Bản, Đức và Pháp là các “xã hội siêu già”.
Theo phân loại của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là “xã hội già hóa”, những quốc gia có hơn 14% là “xã hội già” và những quốc gia có hơn 20% người dân từ 65 tuổi trở lên là “xã hội siêu già”.
Số liệu cho thấy, nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Hàn Quốc đã tăng dần qua các năm, với 4,94 triệu người vào năm 2008, chiếm 10% tổng dân số vào thời điểm đó. Tỷ lệ này đã tăng lên quá 15% vào năm 2019 và đạt 19,05% vào tháng 1/2024 trước khi chạm mốc 20% hiện nay.
Bộ Nội vụ Hàn Quốc cũng cho biết số lượng nam giới chiếm 44% trong nhóm 65 tuổi trở lên hiện nay, với 4,54 triệu người, so với 5,69 triệu người là phụ nữ trong nhóm người cao tuổi.
Trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra, Chính phủ Hàn Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào việc khuyến khích người dân sinh con nhiều hơn, đồng thời triển khai các biện pháp để hỗ trợ các bậc cha mẹ cân bằng giữa trách nhiệm công việc và chăm sóc con cái. Trong một nỗ lực gần đây, chính quyền thành phố Seoul đã cung cấp khoản trợ cấp lên tới 2 triệu won cho việc đông lạnh trứng để thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như không mang lại kết quả như mong đợi và dân số nước này dự kiến sẽ giảm xuống còn 39 triệu người vào năm 2067, với độ tuổi trung bình của người dân là 62 tuổi.
Các chuyên gia cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh thấp, từ chi phí nuôi con cao và giá bất động sản tăng vọt, cho đến một xã hội cạnh tranh khốc liệt khiến việc đảm bảo công việc được trả lương cao trở nên khó khăn.
Gánh nặng thậm chí càng tăng cao đối với những bà mẹ đi làm, những người phải gánh vác phần lớn công việc gia đình và chăm sóc trẻ em trong khi vẫn duy trì sự nghiệp, cũng một yếu tố quan trọng khác.
Trước tình hình đó, Bộ Nội vụ cho rằng, chính phủ cần khẩn trương thành lập một “bộ tập trung vào dân số” có nhiệm vụ ban hành “các biện pháp ứng phó cơ bản và có hệ thống” để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước.