Ngăn chặn săn bắt, tiêu thụ thịt động vật hoang dã là biện pháp tốt để phòng chống dịch bệnh lây lan sang người. Ảnh minh họa: Người Lao động/Dân trí
Săn bắt trái phép, cơ giới hóa canh tác và lối sống ngày càng đô thị hóa đã dẫn đến hậu quả mất đa dạng sinh học hàng loạt trong những thập kỷ gần đây. Ngoài ra, quần thể động vật hoang dã cùng bị tàn phá dần, thay vào đó là số lượng ngày càng tăng của vật nuôi.
Được biết, 70% mầm bệnh của con người đều bắt nguồn từ động vật. Tức tại một thời điểm, mầm bệnh sẽ lây từ động vật sang người, đơn cử như dịch COVID-19 này. Đây là kết luận khi các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã xem xét trên hơn 140 loại virus khác nhau được cho là có lây truyền từ động vật sang người và tham chéo chúng với Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN). Trong đó ghi rõ, các loài động vật được thuần hóa, linh trưởng, dơi và thỏ là những loại mang nhiều loại virus lây sang người nhất khi chiếm đến 75%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng nguy cơ lây nhiễm này là cao nhất khi các chủng động vật bị tiêu thụ quá mức và mất đi môi trường sống tự nhiên của chúng.
Vào năm 2019, Hội đồng Liên Hiệp quốc về Đa dạng sinh học đã cảnh báo rằng có đến 1 triệu loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do những hoạt động sai trái của con người. Đặc biệt, nạn phá rừng đang tạo nên nhiều áp lực lên nhóm các động vật có vú hoang dã, bởi chúng phải vật lộn để thích nghi với môi trường mới. Và khi chúng ta lấn sâu hơn vào lãnh thổ của chúng, các loài động vật hoang dã buộc phải tăng tiếp xúc với con người. Từ đó cũng tăng nguy cơ gây nên một đại dịch COVID-19 khác.
Hiện, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định loài động vật truyền bệnh COVID-19 cho con người. Các loài động vật hướng tới xem xét nghiên cứu là dơi và tê tê. Khi dịch bệnh bùng phát và hoành hành ngày càng mạnh, các nhà bảo tồn đã kêu gọi một lệnh cấm toàn cầu áp dụng đối với việc buôn bán động vật hoang dã. Mới đây, Tổ chức phi lợi nhuận Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh triển khai lệnh cấm trên toàn thế giới “nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học toàn cầu”.
Nhận định về tình trạng săn bắn động vật hoang dã và tiêu thụ thịt động vật hoang dã quá mức như hiện nay, Christine Johnson từ Khoa Thú Y thuộc Đại học California khẳng định: “Một khi chúng ta đã vượt qua tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này, chúng tôi hi vọng rằng các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào việc phòng ngừa và đối phó với các đại dịch, cũng như phòng ngừa rủi ro gây nên do các bệnh lây truyền từ động vật, đặc biệt là trong công tác xây dựng các chính sách về môi trường, quản lý đất đai và tài nguyên động vật”.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)