Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow. Ảnh minh họa: VTV News
Sau Thỏa thuận Paris năm 2015, 5 năm/lần, các bên sẽ ký cam kết tăng cường tham vọng về khí hậu. Mặc dù bị trì hoãn do đại dịch, song COP26, viết tắt cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu là thời điểm để các quốc gia vạch ra con đường hướng tới giảm lượng khí thải và mục tiêu cuối cùng là đạt được một hành tinh khử Carbon.
COP26 có thể là cơ hội cuối cùng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu
Mặc dù Thỏa thuận Paris là một hiệp ước chuyển đổi, thiết lập một lộ trình khí hậu cho đại đa số các quốc gia trên thế giới, song thông tin về những gì các nước thực sự đóng góp có thể sẽ được cập nhật khi hành động thực tế được tiến hành.
Đối với COP26, các mục tiêu cần được cập nhật và củng cố để duy trì hi vọng của Thỏa thuận Paris. Những hành động sâu sắc là cần thiết và phải được triển khai sớm. Những cơ chế pháp lý trong các vòng đàm phán sẽ giúp các nước có trách nhiệm với nhau.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy, các kịch bản nghiệt ngã đang xảy ra, tùy thuộc vào con đường thực hiện của các quốc gia và những tác nhân gây ô nhiễm lớn.
Trong khuôn khổ của COP26, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các mục tiêu tham vọng hơn phải đạt được vào năm 2030 để tránh toàn cầu đạt mức giới hạn, tức mức tăng nhiệt độ trong tương lai và các hậu quả đi kèm của nó sẽ được hạn chế.
Vương quốc Anh thiết lập chương trình nghị sự với bốn trọng tâm chính
Với tư cách là nước đồng đăng cai tổ chức (cùng với Italy), Vương quốc Anh sẽ thúc đẩy hội nghị tập trung vào “than đá, tiền mặt, xe hơi và cây cối”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay.
Được biết, trong một bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc vào tháng 9 vừa qua, ông Boris Johnson nhấn mạnh rằng đã đến lúc “nhân loại cần lớn lên” và hành động quyết đoán để cứu hành tinh.
Điều đó có nghĩa là cần đưa ra một mốc thời gian để ngừng đốt than và đạt được thỏa thuận ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng than mới với mục tiêu đưa nhiên liệu hóa thạch bẩn trở thành quá khứ.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, ông muốn mọi quốc gia tham gia vào kỳ hội nghị với một kế hoạch thích ứng với khí hậu rõ ràng, đặc biệt là khi đây vốn là một khía cạnh thường hay bị bỏ qua, thay vào đó là có xu hướng tập trung nhiều hơn cho các biện pháp giảm thiểu.
Vương quốc Anh kỳ vọng toàn cầu sẽ chuyển đổi sang xe điện nhanh hơn, cùng với đó là chấm dứt nạn phá rừng bằng các biện pháp tài chính hỗ trợ, có quy tắc cho thị trường Carbon toàn cầu và huy động vốn cho các quốc gia đang phát triển – một lĩnh từng vốn bị các nước giàu nhất thế giới bỏ quên.
Một số quốc gia đã đặt ra các mục tiêu tham vọng, một số khác thì không
Đã có một loạt các hoạt động trong những tháng gần đây khi các nước công bố các mục tiêu cải thiện để khử Carbon. Nhiều nước đang cố gắng hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon, hay còn gọi là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó Malaysia, Lào và Australia là 3 nước đưa ra cam kết này.
Tuy nhiên, một số quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm cao như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Saudi Arabia đã bỏ lỡ thời gian vào tháng 7 vừa qua để công bố các mục tiêu đã cập nhật của mình.
Những nước khác như Brazil, Mexico và Nga đưa ra những mục tiêu tương tự, hoặc yếu hơn so với những cam kết cũ trước đó.
Không có mục tiêu nào trong số những mục tiêu mà các nước đưa ra là bắt buộc và không có biện pháp trừng phạt nếu các nước không gửi đi cam kết mới, hoặc không hoàn thành chúng.
Dự kiến trong vài ngày đầu tiên của kỳ hội nghị COP26, sẽ có nhiều quốc gia cải thiện các cam kết của mình.
Các quốc gia đang phát triển nỗ lực để được hỗ trợ nhiều hơn
Giảm mất mát và thiệt hại là mục tiêu quan trọng đối với các nước nghèo hơn - những quốc gia đang phải chịu gánh nặng vô cùng lớn và kinh khủng của biến đổi khí hậu dù không gây ra nó, cũng như không được hưởng lợi từ sự phát triển công nghiệp sâu rộng.
Trước tình hình này, các trách nhiệm phải được thừa nhận và các biện pháp đã cam kết cần phải được thực hiện.
Trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia giàu có cam kết đến năm 2020 sẽ đóng 100 tỷ USD hằng năm, cho đến năm 2024 ít nhất một nửa sẽ được điều chỉnh và số tiền này cũng sẽ tăng lên sau năm 2025. Đáng chú ý là nguồn tài chính này không được huy động và ước tính cần nhiều hơn phải được đóng góp sẵn sàng để sử dụng ngay khi cần thiết chúng.
Một số quốc gia nghèo hơn cũng bày tỏ mong muốn các đối tác phát triển và giàu có hơn thực hiện các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sớm hơn nữa, từ đó tránh sử dụng hết những gì gọi là ngân sách Carbon toàn cầu. Đây chính là lượng CO2 mà cả nhân loại vẫn có thể thải ra trước khi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC vượt ra ngoài tầm với.
Khí Metan cũng sẽ có trong chương trình nghị sự
Báo cáo mới nhất của IPCC đưa ra mức độ cấp thiết hơn trong việc phải thúc đẩy hạn chế phát thải khí Metan – nguyên nhân chính thứ 2 đóng góp vào vấn đề nóng lên toàn cầu sau CO2. Tuy nhiên, khí Metan có cường độ mạnh hơn nhiều khi nóng lên, gây ra nhiều tác động ngắn hạn hơn, gấp 80 lần so với CO2.
Nguồn khí Metan lớn nhất là từ ngành công nghiệp, đặc biệt là gia súc và ngành nhiên liệu hóa thạch, nơi việc rò rỉ khí đốt tự nhiên có thể phổ biến ở các nước như Nga và hầu khắp Trung Á.
Không có cam kết toàn cầu để cắt giảm khí Metan, song những người ủng hộ muốn triển khai hành động nhanh chóng trong thập kỷ này. Dự kiến, hàng chục quốc gia sẽ ký kết hiệp ước do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu nhằm cắt giảm lượng phát thải Metan tại hội nghị...
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)