Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh EU: Bài kiểm tra về sự thống nhất và đoàn kết

ClockChủ Nhật, 04/10/2020 17:15
Trong hai ngày 1 và 2/10 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra theo hình thức trực tiếp với sự tham gia của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên, sau khi bị hoãn lại một tuần so với dự kiến.

EU kéo dài hội nghị thượng đỉnh vì bất đồng về kế hoạch phục hồiDoanh nghiệp Anh muốn đất nước và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận Brexit

Một loạt vấn đề nóng đã được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo cả về chính sách đối nội và đối ngoại, như vấn đề ngân sách chung, quan hệ với Trung Quốc, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ hay cuộc khủng hoảng tại Belarus... Trước loạt vấn đề nóng và gai góc như vậy, một lần nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này được đánh giá là bài kiểm tra về việc, liệu khối EU có thể thống nhất để cùng đưa ra được những tiếng nói chung hay không?

Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: Euronews

Cách tiếp cận mới

Theo dự kiến ban đầu, lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu sẽ bàn đến các chính sách lớn trong nội bộ như ngân sách và nhập cư. Tuy nhiên, do đây đều là hai chủ đề gai góc và cần rất nhiều thời gian thảo luận nên theo ý kiến từ phía Đức, các nước châu Âu có thể cần có riêng một Thượng đỉnh nữa về ngân sách, cũng như cần nhiều cuộc họp nữa về chính sách nhập cư.

Trước mắt, EU vẫn còn có thời gian bởi chính sách mới về nhập cư theo dự kiến phải đến năm 2023 mới chính thức áp dụng, còn vấn đề ngân sách lại liên quan nhiều đến các cuộc vận động hậu trường, song phương và Đức hiện đang vận động rất mạnh để có thể thông qua ngân sách dài hạn 2021 - 2027 trong vài tuần tới.

Trong cả hai vấn đề này châu Âu đều có những thay đổi lớn so với trước kia. Trong chính sách nhập cư, bên cạnh việc phân bổ số lượng người nhập cư mà mỗi nước thành viên phải nhận mỗi năm, dựa theo tiềm lực kinh tế, dân số mỗi nước thì Ủy ban châu Âu cũng đề xuất các hình thức thưởng, phạt đi cùng, như việc nước nào nhận người nhập cư sẽ được cấp 10.000 euro cho mỗi người nhận về, hoặc 12.000 euro nếu đó là trẻ em không có người đi cùng.

Ngược lại, nước nào không tuân thủ cam kết và gánh vác trách nhiệm nhận người nhập cư, tị nạn thì sẽ bị trừng phạt về mặt tài chính. Tương tự, trong vấn đề ngân sách, Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra các chế tài cứng rắn hơn trong việc phân bổ các nguồn trợ giúp từ ngân sách chung tới các nước thành viên, trong đó có điều khoản các nước phải tôn trọng các tiêu chuẩn về nhà nước pháp quyền.

Có thể nói, đây là những cách tiếp cận rất mới, được các nước đứng đầu EU như Đức - Pháp ủng hộ mạnh bởi các nước này cho rằng, EU không phải chỉ là nơi để hưởng lợi mà còn là nơi để gánh vác nghĩa vụ chung và nếu có thành viên nào không thể hiện trách nhiệm hoặc đi ngược lại các lợi ích và giá trị của khối thì thành viên đó không thể hưởng các quyền lợi như các nước khác. Cách tiếp cận này nhằm rất rõ vào nhóm nước Visegrad ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Hungary, do đây là các nước có những mâu thuẫn khá gay gắt với phần còn lại của khối trong vài năm qua trong nhiều chủ đề như nhập cư hay tư pháp độc lập.

Thách thức đối ngoại

Bên cạnh các vấn đề nội khối, có thể nói, hàng loạt thách thức đối ngoại xuất hiện cùng lúc đang khiến giới chức EU phải đau đầu, như căng thẳng phía đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đảo Síp, tình hình Belarus, tương lai với Vương quốc Anh..., đòi hỏi EU phải đưa ra phản ứng nhất quán. 

Liên minh châu Âu là một khối hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, do đó bất cứ quyết định nào do khối này đưa ra cũng đều là kết quả của những thảo luận thống nhất trong nội bộ. Tuy nhiên, tại Thượng đỉnh EU vừa qua, sự bất đồng lớn nhất là liên quan đến phản ứng mà EU cần phải đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, đảo Síp, một thành viên EU và cũng là một trong các bên có liên quan đến tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải đã kiên quyết gây sức ép buộc EU phải trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không nước này dọa sẽ phong tỏa các quyết định của EU liên quan đến Belarus.

Tuy nhiên, yêu cầu này của đảo Síp không được đáp ứng trọn vẹn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen vẫn đưa ra lời cảnh cáo sẽ trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục các hành động khiêu khích và gây sức ép, nhưng không có một biện pháp trừng phạt nào được đưa ra tại Thượng đỉnh lần này.

Mấu chốt ở đây nằm ở thái độ của Đức, nước không chỉ là cường quốc kinh tế số 1 châu Âu mà còn đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU. Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho rằng hiện tại vẫn chưa phải là lúc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì nếu trừng phạt thì các đối thoại vừa được khởi động giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ ngay lập tức đổ vỡ. 

Ngoài ra, từ trước đến nay Đức luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong vấn đề nhập cư. Năm 2016, bà Merkel còn đích thân sang Ankara để ký Thỏa thuận về kiểm soát nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, dù đa số các nước EU hết sức bất mãn với các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng không muốn đẩy mối quan hệ này đi vào thế đối đầu quá căng thẳng.

Ngay cả Hy Lạp, nước có tranh chấp lớn nhất với Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải, cũng lên tiếng ngỏ ý muốn ưu tiên đối thoại hơn là trừng phạt. Trong câu chuyện này, tất nhiên không thể không nhắc đến một yếu tố khác quan trọng, đó là đảo Síp dù sao cũng chỉ là một thành viên nhỏ bé của EU nên EU không sẵn lòng đánh đổi mối quan hệ có nhiều lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, vì thế, cũng chỉ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại và đối xử với đảo Síp tương ứng như với Hy Lạp.

Đối với vấn đề Belarus, các nước EU thể hiện sự nhất trí chung, khi đưa ra danh sách trừng phạt 40 cá nhân ở Belarus. Tuy nhiên, EU vẫn để ngỏ một con đường đối thoại khi chưa trực tiếp áp đặt trừng phạt với Tổng thống Belarus, Lukashenko.

Trong vấn đề Brexit thì các nước EU cũng thống nhất là từ tuần tới cần phải gia tăng các cuộc đàm phán bởi hai bên đã đi vào chặng nước rút, cần phải hoàn tất được một thỏa thuận, ít nhất là một tuyên bố chính trị chung, trước cuối tháng 10/2020, khi EU họp Thượng đỉnh tiếp theo. 

Đức giữ vai trò đầu tàu

Đức đã và đang làm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên của EU. Thực ra, ngay từ vài tháng trước, giới phân tích ở châu Âu đã đều có chung nhận định rằng việc nước Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU vào thời điểm này là một thuận lợi rất lớn đối với EU bởi đây chính là quãng thời gian mà EU phải đối mặt với những thách thức có thể nói là lớn nhất từ khi khối này thành lập, do tác động của đại dịch Covid-19.

Dấu ấn lớn nhất của Đức chính là ở việc đã cùng Pháp đề xuất và biến thành hiện thực quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro dành cho các nước EU khắc phục hậu quả Covid-19. Đây không chỉ là khoản tiền lớn nhất trong lịch sử EU mà còn có tầm vóc lịch sử, ngang với kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới 2. Đây cũng là thay đổi chính sách quan trọng nhất của Đức trong nhiều thập kỷ qua tại châu Âu, khi chấp nhận trả nợ chung với các nước khác để qua đó gây dựng được một quỹ phục hồi khổng lồ.

Chính sách đối ngoại của Đức cũng đang thay đổi rất nhanh, trở nên chủ động hơn rất nhiều. Trong các vấn đề lớn như xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải, khủng hoảng chính trị ở Belarus hay vụ việc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị cho là bị đầu độc… Đức đều là nước đi đầu và chủ động đưa ra đề xuất, đặc biệt là việc tạo dựng cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Ngoài ra, trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc, nước Đức cũng như cá nhân Thủ tướng Angela Merkel cũng là những người đối thoại tốt nhất của EU bởi Đức là đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu và cũng được phía Trung Quốc nể trọng nhất. Có thể nói, Đức đang thể hiện xứng tầm với tiềm lực của mình và xứng đáng là chỗ dựa cho EU./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn kết, khát vọng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Hôm nay 18/12, tại Thủ đô Hà Nội, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX chính thức khai mạc. Với khẩu hiệu “Thanh niên Việt Nam Yêu nước-Khát vọng-Đoàn kết-Tiên phong-Sáng tạo-Tự tin bước vào kỷ nguyên mới”, Đại hội là sự kiện lớn của tuổi trẻ, ngày hội đoàn kết các tầng lớp thanh niên Việt Nam.

Đoàn kết, khát vọng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc: Đoàn kết, đồng thuận

Trong niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai huyện Phú Lộc và Nam Đông khẩn trương thực hiện quy trình sáp nhập huyện theo NQ số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự đoàn kết, đồng thuận là yếu tố tạo nên thành công cho nhiệm vụ này.

Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc Đoàn kết, đồng thuận
Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp.

Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới
Return to top