|
Dân số tại Italy đang ngày càng già đi. Ảnh: Openaccessgovernment/TTXVN |
Trong báo cáo, ISTAT cũng ước tính tỷ lệ giữa những người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) và những người quá trẻ hoặc quá già để làm việc (từ 0 - 14 tuổi hoặc từ 65 tuổi trở lên) “sẽ giảm từ khoảng 3:2 trong năm 2022 xuống còn 1:1 vào năm 2050”.
Hồi tháng 7, báo cáo thường niên của ISTAT cho biết quốc gia lớn thứ ba khu vực đồng euro này đang ghi nhận số người trên 100 tuổi cao kỷ lục, khi độ tuổi trung bình của người dân Italy tăng nhanh hơn so với các nước EU khác. Cụ thể, tỷ lệ dân số trên 100 tuổi ở nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ đầu thế kỷ và đạt tổng cộng gần 22.000 người tính tới tháng 1/2023.
Dân số giảm và già đi là mối lo ngại lớn đối với đất nước khi điều này dẫn đến suy giảm năng suất kinh tế và làm tăng chi phí phúc lợi ở Italy - quốc gia có chế độ hưu trí cao nhất trong 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Thực tế, Italy là quốc gia có dân số già thứ ba trên thế giới. Tính đến năm 2022, 24% dân số Italy trên 65 tuổi, chỉ thấp hơn khi so sánh với Monaco và Nhật Bản. Độ tuổi trung bình của người dân Italy là 46,4 tuổi và không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Con số này dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong những thập kỷ tới.
Theo Statsta, có hai nguyên nhân chính cho tình trạng dân số già ở Italy, là tuổi thọ cao và tỷ lệ sinh thấp. Điều đó có nghĩa là con người sống lâu hơn trong khi số ca sinh giảm. Thật vậy, Italy là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất trên toàn thế giới. Đối với nữ, tuổi thọ trung bình lên tới 85 tuổi, trong khi đối với nam là 80 tuổi. Thêm vào đó, nước này được xếp hạng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
ISTAT cho biết dân số Italy dự kiến sẽ giảm xuống còn 54,4 triệu người vào năm 2050 từ mức 59 triệu người vào năm 2022, khi số ca sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là dưới 400.000 ca trong năm ngoái.
Tình trạng dân số già gây ra nhiều hậu quả kinh tế khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi dân số và lực lượng lao động ngừng tăng trưởng thì tốc độ tăng trưởng GDP của một quốc gia cũng chậm lại. Với tình trạng dân số già, các chính phủ thường phải chịu nhiều áp lực tài chính do hệ thống y tế và lương hưu được mở rộng quá mức, trong khi lực lượng lao động cần phải chi trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ số lượng lớn người già.
Trong bối cảnh đó, kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã ưu tiên giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp của đất nước, đồng thời cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình muốn có con.
Gần đây, Thủ tướng Meloni tuyên bố bà không tin rằng nhập cư có thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang ảnh hưởng đến Italy và phần còn lại của châu Âu.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Giáo dục Giuseppe Valditara cho biết số trẻ trong độ tuổi đi học ở nước này sẽ giảm 1 triệu người trong thập kỷ tới do tỷ lệ sinh giảm và tình trạng “chảy máu chất xám” tiếp diễn. Đó là một kịch bản “đáng báo động”, ông cảnh báo.