Thế giới
COP28:

Hơn 110 quốc gia sẽ tham gia thỏa thuận tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo

ClockThứ Bảy, 02/12/2023 18:23
TTH.VN - Cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo được lắp đặt trên thế giới vào năm 2030 đã giành được sự ủng hộ từ hơn 110 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 ngày 2/12, với một số nỗ lực để thực hiện thỏa thuận này trên toàn cầu vào cuối hội nghị COP28.

Cần đến hàng tỷ USD cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vì khí hậuCOP28: Đông Nam Á sẽ đối diện với cả thách thức và cơ hội

 Nhiều nước ủng hộ đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn 

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – nước chủ nhà COP28, đang vận động ủng hộ cam kết này như một biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải làm nóng hành tinh – nhiệm vụ quan trọng trong thập kỷ này để tránh gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn.

Phát biểu tại phiên khai mạc COP28 hôm 30/11, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, “thật tuyệt vời” khi hơn 110 quốc gia đã tán thành mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030. Theo bà, đã tới lúc “đưa những mục tiêu này vào quyết định cuối cùng của COP”, bởi điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, liệu các chính phủ và doanh nghiệp có huy động được những khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để đạt được mục tiêu hay không vẫn là một câu hỏi còn đang để ngỏ. Trong khi việc triển khai năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã tăng mạnh trên toàn cầu trong nhiều năm qua, thì sự gia tăng chi phí, hạn chế về lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến nhiều dự án bị trì hoãn và thậm chí hủy bỏ trong những tháng gần đây, khiến các nhà phát triển như Orsted và BP phải tổn thất hàng tỷ USD.

Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh COP28 cũng đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ việc tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, nhưng cả hai đều chưa xác nhận sẽ ủng hộ cam kết chung - kết hợp giữa việc tăng cường năng lượng sạch với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo Reuters, Nam Phi, Việt Nam, Australia, Nhật Bản, Canada, Chile và Barbados nằm trong số các quốc gia sẽ tham gia thỏa thuận.

Cam kết về năng lượng tái tạo nằm trong một số chủ đề khác liên quan đến năng lượng tại COP28 ngày 2/12, bao gồm các biện pháp mới và nguồn tài trợ để chống phát thải khí metan, các thỏa thuận cắt giảm sử dụng than và thúc đẩy năng lượng hạt nhân.

Một quyết định trọng tâm mà các quốc gia phải đối mặt tại COP28 là liệu tất cả các nước có đồng ý “loại bỏ dần” việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu hay không. Đốt than, dầu khí để sản xuất năng lượng là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Reuters cho biết, một dự thảo về cam kết năng lượng tái tạo đã kêu gọi “giảm dần nguồn năng lượng than” và chấm dứt cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới.

Theo một phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember, việc tăng gấp 3 nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Các mục tiêu này sẽ tăng thêm áp lực lên các quốc gia giàu có và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm giải phóng các khoản đầu tư lớn cần thiết để đạt được 11.000 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2030 – và đặc biệt là các nỗ lực để giảm chi phí vốn cao – vấn đề đã cản trở các dự án năng lượng tái tạo ở châu Phi và ở các quốc gia đang phát triển khác.

Najib Ahmed, nhà tư vấn tại Bộ khí hậu Somalia, cho biết “sự không phù hợp vẫn tồn tại giữa tiềm năng và những hạn chế của chúng tôi trong việc thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi chỉ nhận được 2% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo. Mặc dù là nước có tiềm năng năng lượng gió trên bờ cao nhất so với bất kỳ nơi nào khác ở châu Phi, nhưng Somalia lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa thấp nhất lục địa.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top