Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN)
Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc sẽ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác Hàn Quốc-Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương.
Nhân dịp này phóng viên TTXVN tại Seoul đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Kawk Sung-il, Giám đốc Trung tâm Chiến lược an ninh kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc.
Về mục đích tổ chức hội thảo chuyên sâu liên quan đến hợp tác song phương Hàn-Việt, ông Kawk Sung-il cho biết quan hệ song phương Hàn-Việt đã phát triển mạnh mẽ trong 30 thập kỷ qua và đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, để mối quan hệ này tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, cần có thêm nhiều trao đổi và thảo luận phương thức hợp tác. Vì lý do này, các học giả hai nước đã phối hợp thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu đa dạng trong nhiều lĩnh vực để có cơ sở công bố tại cuộc hội thảo sắp tới.
Các báo cáo nghiên cứu đã được các học giả hai bên thực hiện trong năm 2021 và được xuất bản thành dạng sách nghiên cứu mang tên “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.”
Tài liệu được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt Nam và Hàn Quốc với hy vọng lan tỏa dễ dàng đến các độc giả quan tâm.
Theo chuyên gia Kwak Sung-il, hợp tác kinh tế là thành tựu quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ song phương giữa hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc.
Ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam chỉ ở mức 490 triệu USD, tương đương với 0,3% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc nhưng đến năm 2020, tức là sau 28 năm, con số này đã chiếm tới 7% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc.
Về đầu tư, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Tại Việt Nam đã hình thành một cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống và hoạt động kinh tế.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu tư vào Việt Nam có giảm song nhiều công ty Hàn Quốc vẫn xếp Việt Nam là nước có triển vọng nhất trong 10 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đề cập mặt hạn chế trong hợp tác kinh tế song phương, ông Kwak Sung-il cho biết có thể nhận thấy rõ là sự mất cân bằng trong cán cân thương mại. Khi kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng, quy mô của sự mất cân bằng thương mại cũng dần mở rộng.
Nguyên nhân là do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam là hàng hóa trung gian (bán thành phẩm) đây có thể được hiểu là kết quả của việc Hàn Quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Do đó, nếu đầu tư vào Hàn Quốc tăng và sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tăng lên trong khi hàng hóa trung gian nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thì kỳ vọng sự mất cân đối sẽ tự giải quyết được.
Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa trung gian của Hàn Quốc được sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Đây được cho là kết quả của việc nhiều công ty Hàn Quốc vào Việt Nam, thực hiện các hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trở lại Hàn Quốc.
Theo ông Kwak Sung-il, có nhiều ý kiến cho rằng tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại song đây chỉ là biện pháp khắc phục ngắn hạn. Nếu chỉ xuất khẩu nông sản và thủy sản có thể khiến Việt Nam trở thành nước xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp.
Thay vào đó, điều quan trọng hơn là phải thu hút đầu tư nhiều hơn từ Hàn Quốc để tạo ra một môi trường nơi các công ty Việt Nam có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất của Hàn Quốc.
Thông qua quá trình này, nếu một chuỗi cung ứng mạnh mẽ giữa hai nước có thể được hình thành, mối quan hệ tương hỗ song phương sẽ được thúc đẩy bền vững hơn.
Ông Kwak Sung-il cho rằng Việt Nam đã và đang nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài. Tháng 6/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và đã có hiệu lực từ năm 2021, đây được xem là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường tính minh bạch của thể chế thông qua các quy định của pháp luật.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế quốc tế của Hàn Quốc cho rằng Việt Nam cần phát huy năng lực sản xuất và công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng. Trên thực tế, một tập đoàn hay công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thì khi đó họ trở thành một pháp nhân của Việt Nam.
Tuy nhiên, do các công ty Hàn Quốc thường đầu tư vào Việt Nam với hình thức 100% vốn FDI nên việc chuyển giao công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Kwak Sung-il cho biết khi phân tích giá trị xuất khẩu của Việt Nam, có thể nhận thấy một thực tế rằng tỷ trọng giá trị gia tăng trong nội địa còn thấp.
Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn sản xuất, linh kiện, phụ tùng nằm ở nước ngoài và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thấp. Tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 26.700 dự án FDI vào Việt Nam chỉ có 600 có hợp đồng chuyển giao công nghệ.
So với các nước ASEAN láng giềng như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, tỷ trọng giá trị gia tăng trong thành phầm của Việt Nam đang ở mức thấp. Chính vì vậy, các công ty Việt Nam cần quan tâm đến phát triển công nghệ riêng song song với việc hợp tác quốc tế.
Có như vậy, các nỗ lực chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài đã thâm nhập thị trường trong nước mới đat hiệu quả. Chia sẻ công nghệ qua hợp tác nghiên cứu, phát triển là hình thức rất phổ biến cần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo.
Nói một cách khác cần khuyến khích và có chính sách bảo hộ để các công ty Hàn Quốc tự nguyện và thấy được lợi ích song hành trong việc chuyển giao công nghệ.
Theo TTXVN/Vietnam+