Đảm bảo an ninh, thúc đẩy hợp tác đa phương là những cách tốt để có được hệ thống an ninh toàn cầu phát triển và công bằng trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Báo Nghệ An
Trong tất cả những điều này, tâm lý "chiến tranh lạnh" và các chính sách đơn phương của một số quốc gia đặt ra mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trước những thay đổi, khủng hoảng và thách thức toàn cầu như vậy, các nước đang phát triển đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn.
Hầu hết các nước đang phát triển muốn khám phá những con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia, hơn là bị buộc phải chạy theo mô hình phát triển của bất kỳ nước nào khác. Đơn cử, các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và thúc đẩy ổn định khu vực thông qua nhiều nền tảng khác nhau. Trong khi đó, các nước châu Phi lại tập trung vào hội nhập kinh tế và từ chối tham gia vào bất kỳ xung đột không đáng có nào.
Trên thực tế, việc các nước đang phát triển theo đuổi quyền tự chủ chiến lược đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, từ đó giúp xoa dịu quan hệ giữa các nước lớn.
Giới chuyên gia nhận định rằng, thế giới đã đi đến một ngã rẽ lịch sử và để đáp ứng mong đợi của các nước đang phát triển, Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến An ninh Toàn cầu, qua đó đưa ra trí tuệ và ý tưởng mới của nước này nhằm giúp giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển vẫn đang còn tồn tại.
Trong đó, Sáng kiến An ninh Toàn cầu cam kết thúc đẩy thịnh vượng chung của nhân loại và tối ưu hóa các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bằng cách ủng hộ hợp tác hòa bình thay vì chính trị quyền lực, cởi mở và toàn diện hơn các liên minh...
Trong bối cảnh một số quốc gia vẫn theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, đồng thời thổi bùng ngọn lửa xung đột và căng thẳng, từ đó tạo ra các vấn đề an ninh toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn Cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia, cũng như an ninh toàn cầu chung.
Thêm vào đó, Sáng kiến An ninh Toàn cầu cũng giúp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không xen vào công việc nội bộ của các nước khác. Sáng kiến tôn trọng quyền lựa chọn con đường phát triển của các quốc gia, phản đối chính trị cường quyền, duy trì các nguyên tắc hợp tác và công bằng, cũng như tập trung thiết lập quan hệ đối tác.
Có thể nói rằng, Liên Hiệp Quốc là tổ chức quan trọng nhất để quản trị an ninh toàn cầu. Hiến chương Liên Hiệp Quốc ủng hộ tất cả các quốc gia duy trì hòa bình và an ninh. Do đó, cộng đồng quốc tế phải tuân theo các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, đề cao chủ nghĩa đa phương...
Sáng kiến An ninh Toàn cầu tin rằng, an ninh là điều kiện tiên quyết để phát triển và phản đối mối quan hệ có tổng bằng 0, bởi mối quan hệ có tổng bằng 0 này không thể tính đến nhu cầu của các bên và chỉ thông qua hợp tác cùng có lợi, thế giới mới đạt được sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, sáng kiến an ninh do Trung Quốc đề xuất tập trung vào đối thoại thay vì đối đầu để đạt được sự hợp tác toàn diện và giải quyết sự khác biệt. Sáng kiến ủng hộ giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng và phản đối việc sử dụng tùy tiện đe dọa hoặc vũ lực đối với các quốc gia khác để giải quyết tranh chấp và kêu gọi các nước tìm kiếm lợi ích chung để giảm xung đột.
Về phía Trung Quốc, nước này cam kết luôn tuân thủ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, cũng như theo đuổi quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác. Trung Quốc bày tỏ nỗ lực thúc đẩy một kiểu quan hệ quốc tế mới, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cởi mở và hợp tác, đồng thời mở rộng lợi ích chung với các quốc gia khác.
Hiện ngày càng nhiều quốc gia ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hướng đến quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn, cũng như mở rộng ảnh hưởng quốc tế của các nước đang phát triển.
Trong một diễn biến có liên quan, Sáng kiến An ninh Toàn cầu của Trung Quốc cũng cung cấp một khuôn khổ mới cho quản trị an ninh toàn cầu và duy trì hòa bình thế giới nhằm giúp bảo vệ an ninh của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Trung Quốc ủng hộ sự chân thành, hữu nghị và thiện chí trong việc theo đuổi lợi ích chung lớn hơn. Trung Quốc sẽ làm việc với các nước đang phát triển khác để thúc đẩy dân chủ và pháp quyền trong quan hệ quốc tế, tăng cường sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự.
Cùng với các nền kinh tế mới nổi khác, Trung Quốc cũng sẽ giúp Liên Hiệp Quốc củng cố vị trí là tổ chức quan trọng nhất trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu và chia sẻ lợi tức phát triển với các nước khác.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)