Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Angola. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong Báo cáo Thảm họa Thế giới 2022, IFRC cho rằng, các nước vẫn “thiếu nghiêm trọng” các hệ thống chuẩn bị ứng phó mạnh mẽ, dù đã trải qua 3 năm “tàn khốc” của đại dịch COVID-19. Từ đó, IFRC kêu gọi các quốc gia cần cập nhật kế hoạch chuẩn bị của mỗi nước vào cuối năm.
Theo IFRC - mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới, việc xây dựng lòng tin, sự công bằng và mạng lưới hành động ở cấp địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Các khuyến nghị này được IFRC đưa ra khi vừa tròn 3 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn cầu.
Ông Jagan Chapagain, Tổng thư ký của mạng lưới ứng phó thảm họa lớn nhất thế giới IFRC, cho rằng “nếu những trải nghiệm về COVID-19 không đẩy nhanh các bước chuẩn bị của chúng ta, thì đại dịch tiếp theo có thể sẽ sắp xảy ra”.
Báo cáo nhấn mạnh các quốc gia cần phải chuẩn bị cho “nhiều chứ không phải chỉ một mối nguy hiểm”, đồng thời nói thêm rằng các xã hội chỉ trở nên thực sự kiên cường thông qua việc lập kế hoạch cho các loại thảm họa khác nhau vì chúng có thể xảy ra đồng thời.
Thực tế, các thảm họa liên quan đến khí hậu và các đợt bùng phát dịch bệnh đã và đang gia tăng trong thế kỷ này, và đại dịch COVID-19 chỉ là một trong số đó.
IFRC cho rằng, các sự kiện thời tiết cực đoan đang gia tăng thường xuyên và dữ dội hơn, trong khi khả năng ứng phó của các nước là có hạn.
Cũng theo IFRC, những mối nguy hiểm lớn có tác động nghiêm trọng đến những người vốn đã dễ bị tổn thương nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Trong báo cáo, IFRC nêu rõ rằng “tất cả các quốc gia vẫn chưa chuẩn bị sẵn cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai”, từ đó kết luận rằng tinh thần sẵn sàng ứng phó của các chính phủ hiện không cao hơn so với năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Do đó, các quốc gia nên xem xét các điều luật pháp chế để đảm bảo chúng phù hợp với kế hoạch chuẩn bị cho đại dịch của mỗi nước vào cuối năm 2023 và thông qua một hiệp ước mới, cũng như các quy định y tế quốc tế sửa đổi vào năm 2024 để đầu tư nhiều hơn vào sự sẵn sàng ứng phó của các cộng đồng địa phương.
Đồng thời, IFRC cũng khuyến nghị đến năm 2025, các quốc gia nên tăng kinh phí cho y tế trong nước lên 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng kinh phí cho y tế toàn cầu lên ít nhất 15 tỷ USD mỗi năm. Đây được đánh giá sẽ là “một khoản đầu tư tốt”, theo lời Tổng thư ký IFRC Chapagain.
“Điều quan trọng là phải có ý chí chính trị để cam kết thực hiện điều đó… Nếu quyết tâm, điều đó là có thể thực hiện được”, ông Chapagain khẳng định.
Được biết, IFRC đã tiếp cận hơn 1,1 tỷ người trong 3 năm qua để giúp đỡ họ trong đại dịch COVID-19.
Bảo Nghi (Lược dịch từ AP & Reuters)