|
Sự phân mảnh của thị trường hàng hóa có thể tạo ra một môi trường toàn cầu bất ổn hơn. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+ |
Cụ thể, theo IMF, các khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm coban, lithium và đồng, cũng như các sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương mại cao như lúa mì đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự phân mảnh kinh tế địa lý, qua đó làm đảo ngược xu hướng hội nhập.
IMF cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới sắp tới rằng, sự phân mảnh của thị trường hàng hóa có thể tạo ra một môi trường toàn cầu bất ổn hơn, cùng với đó là gây ra các mối đe dọa đối với an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế và gia tăng chi phí cho những nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, phát hiện của IMF đưa ra một lập luận khác về hợp tác đa phương trong chính sách thương mại nhằm ngăn chặn những kết quả như vậy.
Trong khi tăng trưởng toàn cầu nói chung sẽ bị ảnh hưởng nhẹ, các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương khác có thể đối mặt với mức tổn thất về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chạm mốc 1,2%, chủ yếu tác động lên nhập khẩu nông sản. Thiệt hại đối với một số quốc gia có thể lên tới 2%. Tình huống này có thể sẽ làm trầm trọng thêm mối lo ngại về an ninh lương thực, vì các nước thu nhập thấp đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực để nuôi sống người dân.
Trong thế giới bị phân mảnh, giá cả sẽ biến động nhiều hơn. Các thị trường bị phân mảnh sẽ cung cấp ít bộ đệm hơn để hấp thụ và đối phó với những cú sốc hàng hóa trong tương lai, chẳng hạn như mùa màng kém hoặc thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, ngay cả một nhà sản xuất hàng hóa đơn lẻ thay đổi quan điểm chính trị cũng có thể gây ra những biến động giá cả đáng kể.
Trong trường hợp không có các biện pháp bảo vệ đa phương, IMF đề xuất tạo ra các thỏa thuận “hành lang xanh” để bảo vệ dòng khoáng sản cần thiết cho quá trình khử Carbon và thúc đẩy các thỏa thuận về hành lang lương thực để đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng giữa tất cả các quốc gia, cũng như phù hợp với thu nhập của mỗi nước.
Cùng với đó, cần triển khai những nỗ lực khẩn cấp để đảm bảo dòng lương thực không bị cản trở và giảm thiểu mối đe dọa mất an ninh lương thực ở các nước thu nhập thấp, đặc biệt là trong bối cảnh tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết và thiên tai.
Khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực giảm thiểu rủi ro phân tán, các quốc gia có thể thực hiện các bước chủ động để giảm thiểu hậu quả kinh tế tiềm ẩn. Các chiến lược có thể bao gồm đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa, đầu tư nhiều hơn vào khai thác, thăm dò và tái chế khoáng sản quan trọng.
Ngoài ra, các nước cũng nên xem xét các chính sách rộng hơn nhằm tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với các cú sốc, bao gồm phát triển các khuôn khổ chính sách tài chính, cơ cấu và kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, đảm bảo nguồn đệm tài chính và tài chính dồi dào, tăng cường mạng lưới an toàn và chuẩn bị cho sự gián đoạn đột ngột của nguồn cung hàng hóa…