Tỷ lệ nợ công của Hàn Quóc dự kiến tăng cao do chính phủ đang chi mạnh tay để vực dậy nền kinh tế. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo dự báo của IMF, tỷ lệ nợ của chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội nói chung của nước này - một chỉ số về sức khỏe kinh tế và tính bền vững của các khoản vay nợ của chính phủ - sẽ vượt 46% trong năm nay, tăng 5,5 điểm phần trăm so với mức 40,7% của năm ngoái. Tỷ lệ này cho thấy mức tăng nhanh hơn so với con số của năm 1998 (4,3 điểm phần trăm) khi quốc gia này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Cũng theo dữ liệu của IMF, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài, thâm hụt được dự báo sẽ tăng hơn 10 điểm phần trăm trên toàn cầu trong năm nay. Tỷ lệ nợ ròng trên GDP trung bình của 36 nền kinh tế phát triển do IMF khảo sát sẽ đạt 122,4% trong năm nay, tăng 17,2 điểm phần trăm so với năm trước ở mức 105,2%, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, trong khi mức nợ ròng trung bình của các nước lớn có khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống mức 121,9% vào năm tới, thì con số này ở Hàn Quốc sẽ tăng lên gần 50%, tăng 3 điểm phần trăm so với năm nay. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và Đức dự kiến sẽ giảm nợ quốc gia lần lượt là 0,8 điểm phần trăm, 4,3 và 3,7 điểm phần trăm.
Giới chức Hàn Quốc nói rằng, điều này xảy ra khi chính phủ vẫn tuân theo các chính sách nới lỏng tiền tệ, trong một nỗ lực không ngừng nhằm duy trì sự phát triển cho nền kinh tế trong nước. Chính phủ đã tiến hành 3 đợt chi ngân sách bổ sung, với khoản chi bổ sung mới nhất lên đến 35,1 nghìn tỷ won (29,5 tỷ USD), nhiều nhất từ trước đến nay trong lịch sử đất nước.
Động thái này đã đặt ra những thách thức đối với sức khỏe tài khóa của quốc gia trong bối cảnh nguồn thu từ thuế ngày càng giảm. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, tổng thu nhập từ thuế của chính phủ trong tháng 5 ở mức 118,2 nghìn tỷ won, giảm 21,3 nghìn tỷ won so với một năm trước đó, trong khi thâm hụt tài chính trong 5 tháng đầu năm đã tăng lên 78 nghìn tỷ won.
BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)