Cần những chính sách phù hợp để ASEAN vực lại nền kinh tế sau nhiều cú sốc. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính/VOVworld
Tuyên bố được bà Kristalina Georgieva đưa ra tại Hội nghị chung cấp cao được tổ chức giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Quỹ Tiền tệ Quốc tế với chủ đề: “Đảm bảo tăng trưởng và tự cường trong khu vực ASEAN: Những chính sách mới cho một thế giới hậu COVID”. Tham gia sự kiện còn có Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) Chae Chanto, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thống đốc NHHN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng các thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN khác.
Theo lãnh đạo IMF: “Trong nhiều năm, thế giới ngưỡng mộ tinh thần hợp tác xác định đường lối của ASEAN. Sự cởi mở và học hỏi lẫn nhau giữa các nền kinh tế thành viên ASEAN giúp tạo ra các tầng lớp trung lưu thịnh vượng và nâng cao mức sống cho hàng triệu người. Năm ngoái, 10 nước ASEAN đã đóng góp 10% vào tăng trưởng toàn cầu - nhiều bằng 19 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nếu chúng ta không hành động một cách quyết đoán và hành động cùng nhau, đại dịch sẽ để lại những vết sẹo lâu dài”.
Bà Kristalina cũng chia sẻ rằng bà cảm thấy đau lòng khi chứng kiến những tác động khủng khiếp từ đợt lũ lụt vừa qua tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Xây dựng khả năng chống chịu của người dân và nền kinh tế trước các cú sốc là nhiệm vụ cấp bách cần đặt ra lúc này.
Tại buổi họp, lãnh đạo NBC cho biết, Campuchia và ASEAN đã và đang triển khai một loạt các biện pháp ổn định để đối phó với đại dịch, trong đó bao gồm chính sách tài chính, các gói kích thích và chính sách kinh tế vĩ mô đã được lên phương án một cách thận trọng. Động thái được thực hiện nhằm mục đích tăng cường an ninh sinh kế của nhóm dân cư có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
“Đại dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp, không giống những khủng hoảng trước đây. Không có bất kỳ một quốc gia nào có thể tránh được tác động của khủng hoảng sức khỏe này, cũng như ảnh hưởng kinh hoàng của nó đến nền kinh tế, gia tăng bất ổn khi sự lây lan của đại dịch vẫn là một mối đe dọa. Để đảm bảo chắc chắn hiệu quả của các chính sách, tất cả các biện pháp ban hành phải có trọng tâm, mục tiêu cụ thể và được thực hiện vào thời điểm thích hợp để tránh những hậu quả xấu không lường trước được. Khi khủng hoảng kết thúc, cần ưu tiên phục hồi những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”, NBC thông tin.
Trong một ý kiến khác có liên quan, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, IMF dự đoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung sẽ chứng kiến mức giảm tăng trưởng khoảng 2,2% trong năm nay, sau đó tăng trưởng trở lại ở mức 6,9% trong năm 2021.
Trong tương lai, sẽ rất quan trọng đối với các quốc gia trong vấn đề nỗ lực để duy trì các biện pháp tài chính và tiền tệ quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt là phải tiếp tục nhắm mục tiêu thực hiện các biện pháp đó theo cách giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, những lớp dân số dễ bị tổn thương nhất đất nước.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Phnom Penh Post)