Trụ sở của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington D.C., Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN
Trong bối cảnh lãi suất ở mức đáy trên toàn thế giới, IMF nhận định, bây giờ là lúc các chính phủ hành động để tạo ra việc làm bằng cách hồi sinh các dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn và thực hiện những dự án mới, cũng như đầu tư vào công tác bảo trì.
Ông Paolo Mauro, người đứng đầu bộ phận tài chính của IMF cho hay: "Đầu tư công có thể hỗ trợ hoạt động kinh tế và tạo việc làm cần thiết". Các quan chức của tổ chức này, nhất là Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, kể từ khi đại dịch bùng phát đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chi tiêu để chống lại tác động của sự suy thoái mạnh toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, đầu tư công đã "yếu" trong hơn một thập kỷ; mặc dù thực tế cho thấy, cầu đường ở một số nền kinh tế tiên tiến đã xuống cấp và có nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ đối với giao thông, nước sạch, vệ sinh ở các quốc gia nghèo hơn.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang chống lại COVID-19 và nhiều người mất việc làm đang kiếm việc, IMF ước tính, mỗi 1 triệu USD chi cho cơ sở hạ tầng truyền thống sẽ tạo ra từ 2-8 việc làm, trong khi số tiền tương đương được chi cho nghiên cứu, phát triển và công nghệ xanh có thể tạo ra từ 5-14 vị trí việc làm mới. Theo ông Paolo Mauro, tăng cường đầu tư công thêm chỉ 1% GDP có thể tạo ra từ 2-3 triệu việc làm ở Liên minh châu Âu và gần 2 triệu việc làm ở Mỹ. Khi các chính phủ bắt đầu đầu tư nhiều hơn, IMF kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ làm theo. Giả sử các khoản đầu tư có "chất lượng cao", việc tăng đầu tư công thêm 1% GDP có thể mở rộng đầu tư tư nhân lên 10%, tăng việc làm lên 1,2% và GDP tăng 2,7%, cũng như củng cố niềm tin tổng thể vào sự phục hồi.
Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến khích các chính phủ xem xét lại những dự án đã bị trì hoãn trong quá khứ và lập kế hoạch cho các dự án mới tập trung vào nhu cầu sau khi đại dịch kết thúc; đồng thời khuyến khích các nền kinh tế ở mọi quy mô không bỏ mặc cơ sở hạ tầng hiện có.
Ông Paolo Mauro cho rằng, có rất nhiều cơ hội bảo trì có giá trị trong các khoản đầu tư, không chỉ ở những nước nghèo; mà trên thực tế, thậm chí còn nhiều cơ hội hơn ở các nền kinh tế tiên tiến. Có rất nhiều công việc bảo trì cần được thực hiện, và đầu tư cho bảo trì cần nhiều nhân công, tạo ra nhiều việc làm và có thể được kích hoạt rất nhanh. Ngoài ra, IMF cũng cảnh báo các quốc gia nghèo hơn nên thận trọng với đầu tư công, bởi họ không có khả năng tiếp cận tài chính rộng rãi như những quốc gia giàu có hơn.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế mà IMF gọi là cuộc "Đại phong toả", với dự báo hồi đầu năm nay rằng, GDP toàn cầu sẽ thu hẹp 4,9%. Tuy nhiên, hồi tháng trước, một phát ngôn viên của IMF cho biết, triển vọng có thể ít nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu. Dự báo cập nhật của IMF sẽ được công bố vào tuần tới.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The Jakarta Post & AFP)