|
|
Đến năm 2028, Trung Quốc được dự báo sẽ là nguồn tăng trưởng hàng đầu thế giới. Ảnh: AFP/CafeF |
Sử dụng dữ liệu được IMF công bố trong Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tuần trước, những phân tích của Bloomberg cho thấy đến năm 2028, phần gia tăng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu của quốc gia này dự kiến sẽ chiếm 22,6% tổng tăng trưởng thế giới. Tiếp theo ngay sau Trung Quốc là Ấn Độ, với 12,9%, trong khi Mỹ sẽ đóng góp 11,3% cho tổng tăng trưởng toàn cầu.
IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới khi lãi suất tăng cao gây ảnh hưởng. Với dự báo đó, triển vọng trong 5 năm tới là yếu nhất trong hơn 3 thập kỷ, khiến IMF phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia tránh phân mảnh kinh tế do căng thẳng địa chính trị gây ra và thực hiện các bước để tăng năng suất.
Tổng cộng, 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa nằm ở các nước top 4, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia. Mặc dù Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) sẽ chiếm phần tăng trưởng nhỏ hơn, nhưng Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Pháp được coi là các nước nằm trong top 10 quốc gia đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, đến năm 2028, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp gần 40% vào tăng trưởng của thế giới.
Bốn quốc gia này đã thành lập diễn đàn BRIC – tên gọi do ông Jim O'Neill, cựu kinh tế trưởng của Tập đoàn Goldman Sachs đặt ra vào năm 2009 và khối này trở thành BRICS một năm sau đó khi Nam Phi – hiện là nền kinh tế nhỏ nhất trong nhóm, được thừa nhận.
Sự tăng trưởng của Nam Phi được cho là yếu trong 5 năm tới, thêm khoảng 0,5% vào tổng tăng trưởng toàn cầu.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)