Cảnh sát Indonesia. (Nguồn: telegraph)
Với việc đã từng phải hứng chịu những cuộc khủng bố trước đây như tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali hay ngay tại khách sạn Marriott ở Trung tâm thủ đô Jakarta…
Chính phủ Indonesia đã luôn đặt công tác chống khủng bố luôn lên hàng đầu. Mới đây nhất, ngay sau khi xảy ra các vụ việc lịch sử đẫm máu tại Pháp, các lực lượng chống khủng bố của Indonesia đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Đặc biệt là sau khi lực lượng an ninh của quốc đảo phát hiện một số phần tử quá khích từ Trung Đông đã bất ngờ quay trở lại nhập cảnh vào Indonesia và xuất hiện ở một số khu vực gần Thủ đô Jakarta.
Các thông tin tình báo cũng xác nhận về sự xuất hiện của các phiến quân tại các khu vực ngoại ô như Cileduk và Nam Tangerang, thuộc tỉnh Banten, trên đảo Java. Đây là trung tâm đô thị lớn thứ ba trong khu vực và chỉ cách thủ đô Jakarta khoảng 25 km về phía Tây (khoảng 1 giờ ôtô).
Nam Tangerang và Cileduk có thể sẽ được chọn là những thành trì mới của các phần tử khủng bố. Mặc dù mới chỉ có một vài đối tượng xuất hiện, chưa đặt ra những mối nguy cơ cấp bách, song Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia đang đề phòng khả năng các phần tử cực đoan có thể đang ngấm ngầm hoạt động và đang lên kế hoạch. Lực lượng chống khủng bố của Indonesia đã “khoanh vùng” những “điểm nóng” này để theo sát những động thái diễn ra.
Thông tin tình báo của cảnh sát Indonesia cũng cho biết, trong tổng số 34 tỉnh của quốc gia có số dân Hồi giáo đông nhất thế giới này, có có ít nhất 5 tỉnh thuộc các đảo Java, Sumatra và Sulawesi đã nằm trong tầm ảnh hưởng của IS. Không những thế, IS còn tài trợ tiền và trang bị vũ khí cho nhiều nhóm đối lập.
Đối phó với khủng bố hiển nhiên không phải là cuộc chiến của riêng bất cứ quốc gia nào trên thế giới, bởi tính chất ăn sâu, lan rộng ngày càng nguy hiểm, tàn bạo và khó lường của các tổ chức cực đoan.
Với riêng Indonesia, quốc đảo đã thực hiện hàng loạt các động thái trong nỗ lực chống khủng bố. An ninh tại các địa điểm công cộng như các trung tâm thương mại, văn hóa, sân vận động… đều được tăng cường. Đầu tháng 7 năm ngoái, Indonesia đã mở trường dạy chống khủng bố tại miền Trung Java nhằm xây dựng một trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp cho lực lượng cảnh sát khắp Đông Nam Á.
Cuối tháng 10 vừa qua, chính phủ đã thành lập một cơ quan phòng thủ mạng trong bối cảnh nhiều nhóm chiến binh tăng cường sử dụng công nghệ và Internet để tuyên truyền, tuyển mộ và đào tạo các thành viên mới. Trong bài phát biểu trước Quốc hội mới đây, Tổng thống Joko Widodo cũng đã kêu gọi cả nước đoàn kết chống khủng bố và khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xuất nhập cảnh.
Ông Jokowi cũng kêu gọi các nước hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến khủng bố. Đây cũng là lĩnh vực được Indonesia đề cập trong hầu hết các cuộc tiếp xúc song phương thời gian qua. Trong chuyến thăm hồi tháng 6 đến Indonesia, Tổng thống Anh David Cameron đã cam kết cung cấp một gói hỗ trợ cho Indonesia, bao gồm giúp tăng cường an ninh tại các sân bay, đẩy mạnh hợp tác về điều tra khủng bố và huấn luyện cho 50 sĩ quan cảnh sát chống khủng bố.
Ngoài ra, Indonesia cũng mở rộng hợp tác chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan với các nước như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Bỉ, Hy Lạp… và các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm nay.
Theo Vietnam+