Thế giới

Indonesia đặt mục tiêu phát triển kỹ thuật số cho 10 triệu doanh nghiệp MSME

ClockThứ Năm, 02/07/2020 14:39
TTH.VN - Theo nguồn tin từ Hãng thông tấn The Jakarta Post ngày 2/7, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu có 10 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chuyển sang kỹ thuật số vào cuối năm nay, nhằm giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính từ đại dịch COVID-19.

ASEAN và Quỹ châu Á hỗ trợ kỹ năng cho 200.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏĐổi mới trong thời kỳ Covid-19, Indonesia phát triển tour du lịch ảo

Thanh toán sử dụng mã QR Code. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Indonesia, ông Teten Masduki cho biết, hiện tại chỉ có khoảng 8 triệu doanh nghiệp MSME có nền tảng bán hàng trực tuyến, thông qua thương mại điện tử hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Con số này đại diện cho khoảng 13% tổng số doanh nghiệp MSME trong nước.

“Các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong đại dịch này là những doanh nghiệp có sự hiện diện trực tuyến”, ông Teten Masduki khẳng định; đồng thời cho rằng, các doanh nghiệp MSME cũng cần tích hợp hoạt động kinh doanh của họ với những giải pháp thanh toán kỹ thuật số, bởi vì người tiêu dùng đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt do lo ngại nhiễm virus SARS-CoV-2, gây ra dịch bệnh COVID-19.

“Thanh toán số hóa đối với các doanh nghiệp nhỏ cho phép họ có được những biên bản giao dịch, có thể được sử dụng để xin các khoản vay”, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Indonesia nói thêm.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của YouGov, Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế có trụ sở tại Anh, 75% số người Indonesia được hỏi đã chủ yếu sử dụng các khoản thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn như ví điện tử OVO, trong vòng 3 tháng qua, sau đó là thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Điều này cho thấy, phần lớn người tiêu dùng đã quen với thanh toán điện tử.

Trợ lý Giám đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Ronggo Gundala Yudha cho hay, có 3,7 triệu thương nhân ở Indonesia đã sử dụng mã thanh toán điện tử tiêu chuẩn Indonesia (QRIS), một hệ thống thanh toán mã quét QR tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia; 2,5 triệu thương nhân trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi 600.000 thương nhân là các thương nhân siêu nhỏ.

“Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, chúng tôi đã thực hiện tập huấn về QRIS và loại bỏ phí giao dịch QRIS, nhằm đẩy nhanh quá trình số hóa của các doanh nghiệp MSME”, ông Ronggo Gundala Yudha thông tin thêm.

Bên cạnh đó, bà Tessa Wijaya, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Công ty Công nghệ Tài chính Xendit cho rằng, các doanh nhân vừa và nhỏ vốn đã quen thuộc với phương tiện truyền thông xã hội có thể dễ dàng thích nghi với số hóa. “Việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp và các công ty tập trung vào doanh nghiệp MSME cũng đóng vai trò rất quan trọng, vì họ có thể khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ đi theo hướng kỹ thuật số”, bà Tessa Wijaya nhấn mạnh.

Được biết, các doanh nghiệp nhỏ, chiếm khoảng 60% nền kinh tế của Indonesia, đang mất đi doanh số do những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, những biện pháp này hiện đang được dỡ bỏ ở một số nơi. Chính phủ Indonesia đã phân bổ một phần của gói kích thích phục hồi nền kinh tế trị giá 641,17 nghìn tỷ Rupiah cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp MSME, nhằm làm giảm tác động của đại dịch COVID-19.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Jakarta Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Return to top