Kinh tế Indonesia rơi vào giai đoạn suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ảnh minh họa: TTXVN
GDP giảm 3,49% so với một năm trước, Cục Thống kê công bố hôm thứ năm, tồi tệ hơn mức giảm 3,2% dự kiến trong cuộc khảo sát của Bloomberg với 27 nhà kinh tế. Trước đó trong quý II, GDP nước này giảm 5,32%.
Tuy nhiên, các quan chức vẫn thấy còn hy vọng. So với quý trước, GDP Indonesia tăng 5,05% trong ba tháng tính đến tháng 9, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng 5,55%.
“Điều này cho thấy sự cải thiện và hướng đi ngày càng tích cực hơn,” người đứng đầu cơ quan thống kê, ông Suhariyanto cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng tình hình quý IV sẽ còn tốt hơn với việc nới lỏng các hạn chế xã hội ở quy mô lớn”.
Chứng khoán Indonesia đã tăng 2% sau thông báo, leo lên mức cao nhất trong gần hai tháng. Đồng Rupiah tăng giá 0,98% so với USD, đánh dấu ngày tăng thứ ba liên tiếp.
Chính phủ đã cắt giảm dự báo kinh tế nhiều lần và hiện dự kiến GDP sẽ giảm từ 0,6% đến 1,7% trong cả năm. Việc thắt chặt các hạn chế xã hội ở thủ đô Jakarta trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm vi rút mới đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước, trụ cột của nền kinh tế Indonesia, vẫn chưa phục hồi, với lạm phát cơ bản tiếp tục suy yếu kể từ tháng 3. Nước này đã ghi nhận thặng dư thương mại trong những tháng gần đây khi xuất khẩu hoạt động cải thiện, nhưng chỉ số quản lý thu mua gần đây cho thấy ngành sản xuất tiếp tục gặp khó khăn.
“Sự phục hồi sẽ tiếp tục trong những tháng tới, nhưng nó có thể sẽ chậm và theo từng đợt”, ông Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á cao cấp tại Capital Economics Ltd., cho biết sau khi dữ liệu được công bố. “Chính sách tài khóa và tiền tệ cũng có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.”
Ngân hàng Indonesia nhận thấy khả năng có thể giảm lãi suất hơn nữa và duy trì chính sách tiền tệ phù hợp đến năm 2021. Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong năm nay và giữ nguyên lãi suất trong ba kỳ họp gần đây nhất.
Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho các bộ trưởng đẩy nhanh chi tiêu ngân sách trong thời gian còn lại của năm và bắt đầu lập kế hoạch mua sắm cho các dự án để đẩy nhanh chi tiêu vào đầu năm 2021.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Bloomberg)